Độc giả Trần Hồng kể lại về kinh nghiệm đi tàu của mình như sau: “Lên tàu không được dùng nhà vệ sinh khi chưa ra khỏi thành phố (cái này chắc là vì họ vẫn dùng công nghệ xả thải trực tiếp xuống đường ray), báo hại những ai có nhu cầu mà chưa kịp giải quyết thì chỉ còn nước… chui tạm vào đường ray mà "bậy" thôi, vì quay lại nhà vệ sinh của nhà ga thì quá xa và lỡ tàu như chơi”.
Và đến khi tàu đã ra khỏi thành phố thì “muốn đi vệ sinh hoặc làm gì thì cũng phải kiếm sợi dây cột vào người may ra mới an toàn vì tàu lắc, giật rất dữ”, độc giả này cho biết thêm.
Nhà vệ sinh và nội thất bên trong tàu Thống Nhất. Ảnh: Lê Minh Sơn
Rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là những người xa quê đến những thành phố lớn để mưu sinh, vào những dịp lễ tết thường chọn tàu lửa là phương tiện để về thăm nhà.
Dù vậy, với cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu, có vẻ như ngành đường sắt dù đóng vai trò quan trọng, là xương sống của hệ thống giao thông vận tải quốc gia nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân đặc biệt là ở khâu dịch vụ.
Trong hàng trăm phản hồi của độc giả VnExpress.net gửi về đóng góp ý kiến xây dựng cho ngành đường sắt, rất nhiều độc giả đã phàn nàn về chất lượng vệ sinh trên tàu.Toa tàu không được dọn dẹp, nhà vệ sinh bốc mùi, máy lạnh ồn ào…, là những điều mà các độc giả phản ánh khi đi tàu.
Cùng nỗi kinh hoàng với nhà vệ sinh trên tàu, một bạn đọc khác cho biết: “Ở khoang máy lạnh thì đầu khoang có một cái nhà vệ sinh bẩn như thời bao cấp, khi đóng hai cửa vào và chạy máy lạnh thì toàn khoang biến thành một cái toilet lớn, bẩn và hôi kinh khủng. Khi rời ga cuối, người sẽ có mùi toilet bẩn đặc trưng mà nếu sau đó có đến nhà ai thì ôi thôi…!”
Ngoài nỗi ám ảnh mang tên “nhà vệ sinh”, phản hồi của các độc giả đều cho biết, tình trạng vệ sinh chung trên tàu lửa khá kém.
“Thật là kinh khủng khi những vết như là vết khạc nhổ hay xì mũi khô cứ xuất hiện trên thành tàu, còn sàn nhà thì chỉ thấy nhân viên tàu cầm một cái chổi (cũng bẩn không thể tả) quét sơ một cái là xong công tác quét dọn.” – độc giả Tạ Thị Thanh Tâm cho biết.
Độc giả Nga TT, một bác sĩ tai mũi họng phản ánh: “Khoang tàu thì quá bẩn và hệ thống làm lạnh chạy liên tục, có khi hành khách hút thuốc cả trong khoang tàu. Nếu lỡ có ai bị bệnh truyền nhiễm hay mạn tính như lao, viêm phổi cấp tính thì sao? Chỉ cần ở đầu này ho thì cuối toa đã có vi khuẩn rồi. Không khí trong khoang tàu ô nhiễm kinh khủng.”
Bạn đọc Trần Tuấn còn chia sẻ một hình ảnh đáng buồn hơn khi kể lại: “Tôi chứng kiến tận mắt, tiếc là không quay phim kịp cảnh một nhân viên nam của tàu đang xối xả quăng rác từ tàu xuống hai bên đường ray”.
Với mong muốn ngành đường sắt có những thay đổi để tốt hơn, hầu hết các bạn đọc đều đống ý đường sắt Việt Nam nên thay đổi trước hết ở khâu dịch vụ, đặc biệt là cần quan tâm chấn chỉnh gấp trước hết ở các mảng:
- Cải thiện tình trạng vệ sinh của toilet trên tàu.
- Vệ sinh các khoang tàu sau mỗi chuyến.
- Thay đổi hệ thống máy lạnh trên các toa tàu.
- Thái độ và tinh thần phục vụ của nhân viên ngành.
“Nếu ngành đường sắt chịu nhìn nhận để thay đổi mình. Cải thiện tình trạng vệ sinh và chất lượng phục vụ thì dù giá vé có tăng chút ít, hành khách chung tôi vẫn chấp nhận.” – một độc giả cho biết.
Vũ Vy
Chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh của bạn về giao thông đường sắt tại đây.