Là cán bộ công nhân viên ngành đường sắt (ĐS), tôi cũng phải thừa nhận là trang thiết bị của chúng tôi chưa phải là tốt nhất, chất lượng phục vụ chưa thật hài lòng tất cả hành khách, tuy nhiên, nếu suy xét kỹ chúng ta nên nhìn vấn đề từ hai mặt, không nên so sánh ĐS Việt Nam với ĐS các nước Châu Âu hoặc Châu Á, nơi mà ở đó ý thức bản thân, ý thức nghề nghiệp của nhân viên ĐS và của hành khách đi tàu tốt hơn chúng ta.
Một người khách bịt mũi vì mùi hôi nhà vệ sinh trên tàu. Ảnh: Hoàng Hà
Thực tế, hành khách của chúng ta có nhiều đẳng cấp, nhiều thành phần. Không rõ có bạn đọc nào đã chứng kiến cảnh nhân viên ĐS chúng tôi nhắc nhở nhiều lần về việc giữ vệ sinh chung, nhưng hành khách lại cứ thản nhiên vứt rác xuống toa tàu. Chúng tôi nhắc nhở không hút thuốc ở hành lang toa xe thì họ vào phòng hút (dù phòng vẫn cấm hút thuốc).
Có nhiều vị khách dắt theo con nhỏ, họ cho con tiểu ngay vào bồn rửa mặt hoặc khi say tàu, nôn ngay bất cứ chỗ nào họ cúi xuống mà chẳng chịu cố gắng vào phòng vệ sinh hoặc dự trữ sẵn túi nôn bên người.
Hành khách đi tàu ở các nước khác không mang hành lý tùy thân nhiều và cồng kềnh như hành khách Việt, họ cũng không xả rác tùy tiện và nhất là không có người đi tiễn nhiều như ở ta.
Có những lúc, đi tàu chỉ một hoặc hai người, nhưng có cả một đại gia đình đi tiễn, cùng lên tàu, nói chuyện rôm rả. Như thế hỏi sao không nghe được thông báo của ga.
Một điều bất tiện nữa là tàu hỏa là phương tiện vận chuyển đường dài, nước trên các toa xe có giới hạn nhưng hành khách lại rất thích… tắm! Chỉ ba người như vậy thôi là hết sạch nước dùng cho việc vệ sinh.
Là nhân viên ngành đường sắt, tôi thú nhận là cung cách phục vụ còn chưa chuyên nghiệp, nhiều thiếu sót. Cơ sở vật chất đã cũ kỹ, không phục vụ tốt nhu cầu các hành khách. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những bất cập hiện nay, không chỉ lỗi của riêng ngành ĐS.
Thiết nghĩ để cải thiện cung cách phục vụ của ngành ĐS, cán bộ công nhân viên chúng tôi phải cố gắng phấn đấu nhiều, nhưng cũng không thể thành công nếu không có sự thay đổi ý thức khi sử dụng không gian công cộng của khách đi tàu.
>Đường săt Việt Nam: đứa con bị bỏ rơi từ thời Pháp
TXSG
Chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh của bạn về đường sắt tại đây