Từ chuyện bầu Kiên, bầu Trường…
Ngày 20/08/2012, ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch câu lạc bộ (CLB) bóng đá Hà Nội đang chơi ở V- League và Tuyển trẻ Hà Nội đang chơi ở giải Hạng nhất bị Cơ quan Công an bắt vì tội kinh doanh trái phép.
Ông Kiên vào tù, thế là những khoản lương thưởng mà ông rót xuống hai CLB chẳng còn, báo hại lãnh đạo hai đội bóng trên phải tự thân vận động, chạy đủ tiền phí để tham dự mùa giải 2013. Đến nay, do không kiếm được tiền tài trợ, không chuyển nhượng được cầu thủ nên việc tập trung để rèn quân của hai đội vẫn phải “chờ”…
Ngày 7/11/2012, ông Nguyễn Khắc Trường, chủ tịch CLB Ninh Bình lên báo tuyên bố giải thể đội bóng tạm thời vì cầu thủ quá “láo”. Hỏi ra mới biết do lãnh đạo đội bóng chậm 3 tháng lương thưởng, nên cầu thủ mới bảo nhau làm đơn kiến nghị gửi lên lãnh đạo CLB.
Rốt cục thì sự việc chẳng đâu vào đâu. Ban lãnh đạo tuyên bố sẽ xử tới nơi tới chốn, cầu thủ thì lo mất việc. Ai biết được sau sự việc ồn ào này, ông Trường còn mặn mà làm bóng đá nữa không hay lại theo bầu Kiên bỏ cuộc chơi…
Trên đây chỉ là trong rất nhiều những vụ việc liên quan đến vấn đề “thượng tầng” của các CLB bóng đá ở Việt Nam hiện nay, chứ nếu liệt kê ra thì đến sáng hôm sau cũng không hết. Bầu Hiển (Hà Nội T&T) bỏ bóng đá. Bầu Thọ khai tử Navibank Sài Gòn. Bầu Thụy “tặng” Sài Gòn Xuân Thành cho LĐBĐ TP HCM...
Có khi bây giờ hỏi, người ta lại nhớ bầu Kiên bị bắt ra sao, bầu Hiển bỏ giải như thế nào hơn là thuộc hết tên những tân binh mới lên tuyển trong kì AFF Cup này cũng nên!
Có kẻ nói vui, các tuyển thủ quốc gia của chúng ta lo cho thành tích của kì AFF Suzuki Cup 2012 thì ít, mà lo cho tương lai của ông bầu thì nhiều…
Thành bại cậy nhờ “chính chủ”
Từ sau giai đoạn bao cấp, bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp đã ngót 13 năm trời nhưng chuyên nghiệp kiểu “ăn xổi” quá.
Đội bóng thì cứ mãi dựa vào “bầu sữa” của ông bầu, mấy ông thì è cổ ra mua ngoại binh, tậu cầu thủ nội giá cao, trả lương thưởng ngất trời mà chẳng quan tâm mấy đến việc đào tạo trẻ, thành ra chất lượng cầu thủ nội kém, trọng tài tồi, khán giả cũng không đến sân xem bóng.
Thời buổi kinh tế suy thoái thế này, mấy ông “dại” gì đầu tư tiền tỉ vào cái sân chơi lãi thì chẳng thấy đâu, mà lỗ thì chỏng gọng như V-League hay giải hạng Nhất.
Một tuyển thủ Việt Nam từng tâm sự, ngày còn chơi ở giải hạng Nhì, lương tháng của anh khoảng từ 300 - 900 nghìn đồng thôi nhưng khi được một ông bầu của đội bóng V- League nọ kí hợp đồng, lương của anh lên 15 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản thưởng giải ngân 300 triệu đồng/năm!
Lấy từng ấy tiền nhân lên với 22 cầu thủ đội 1, gần chục thành viên Ban huấn luyện, chưa kể các khoản phí phát sinh cũng ra một con số không nhỏ chút nào.
Vậy đến bao giờ con tính “khán giả + truyền hình + quảng cáo + tiền tài trợ từ các ông chủ” mới cho ra kết quả “lợi nhuận từ bóng đá”?
Thôi thì, thành bại của bóng đá Việt Nam trong tương lai lại cậy nhờ “chính chủ” vậy.
Mùa giải V-League 2013 sắp tới hứa hẹn là một giải đấu buồn vì chỉ còn 10 đội tham dự. Ừ thì ít thôi, nhưng cái người hâm mộ cần là một V-League chất lượng, những đội bóng chuyên nghiệp của những ông bầu chuyên nghiệp, có tâm với bóng đá nước nhà, chứ không phải cái chuyên nghiệp trên bàn giấy để qua mặt các vị lãnh đạo AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á).
Đỗ Xuân Duy Anh
Chia sẻ những bài viết của bạn về phát triển bóng đá Việt Nam tại đây.