Bản đồ cổ của Trung Quốc chú thích quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng tiếng Nhật là "Senkaku Gunto". Ảnh: Yomiuri Shimbun |
Theo Yomiuri Shimbun, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đăng tải lên trang web phần bản đồ cho thấy quần đảo được gọi là "Senkaku Gunto" trong tiếng Nhật.
Bản đồ này nằm trong tập bản đồ do Cục Khảo sát và Bản đồ Nhà nước Trung Quốc xuất bản năm 1969. Bên cạnh việc nhắc đến toàn bộ nhóm đảo là "quần đảo Senkaku" bằng tiếng Nhật, tên của đảo cực tây Uotsuri, đảo lớn nhất, cũng được viết bằng tiếng Nhật.
Yoshiaki Harada, một nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do trong hạ viện Nhật, lấy tấm bản đồ từ một cựu quan chức Bộ Ngoại giao và giới thiệu nó trong phiên chất vấn của ông tại hạ viện tháng trước.
Ngoại trưởng Fumio Kishida đánh giá đây là "một dữ liệu có giá trị". "Bằng cách sử dụng nhiều dữ liệu khác nhau, chúng ta phải tiếp tục truyền bá thông điệp của mình ra bên ngoài một cách chiến lược", ông nói.
Chính phủ Trung Quốc được cho là bắt đầu tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1971. Trước đó, vào tháng 5/1969, Hội đồng Kinh tế châu Á và Viễn Đông Liên Hợp Quốc - nay là Hội đồng Kinh tế châu Á và Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc - công bố một báo cáo nói rằng có thể đáy biển tại quần đảo này chứa trữ lượng dầu lớn.
Từ đó, Bắc Kinh bắt đầu gọi quần đảo không người sinh sống với cái tên Điếu Ngư và tuyên bố chủ quyền bất chấp việc nó đang nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo.
Căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ năm 2012 khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo trong Senkaku/Điếu Ngư, dẫn đến làn sóng biểu tình mạnh mẽ khắp Trung Quốc. Các tàu tuần duyên và phi cơ của Trung Quốc thường xuyên di chuyển gần vùng biển tranh chấp, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đụng độ.
"Bản đồ trên do chính quyền Trung Quốc vẽ ra. Nó là một bằng chứng đầy đủ chứng minh Trung Quốc đã xem quần đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản", một nguồn tin chính phủ Nhật khẳng định.
Anh Ngọc