Quá trình xây dựng đang diễn ra trên quần đảo Nam Kỷ, tỉnh Chiết Giang, cách quần đảo Senkaku Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư khoảng 300 km về phía tây bắc, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin Trung Quốc cho hay.
Căn cứ được kỳ vọng giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng sẵn sàng phản ứng với những khủng hoảng quân sự tiềm ẩn trong khu vực cũng như cải thiện sự giám sát đối với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập hồi tháng 11/2013, nguồn tin hôm 21/12 cho biết thêm.
Nhiều trạm radar cỡ lớn đã được thiết lập tại những điểm cao nhất trên đảo chính Nam Kỷ. Một số đường băng cũng hoàn thành, có thể được sử dụng cho các máy bay trên tàu chiến hoặc tàu tuần tra. Bắc Kinh dự kiến xây dựng thêm nhiều đường băng nữa trong năm 2015.
Quần đảo Nam Kỷ, gồm 52 đảo lớn nhỏ, nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 300 km còn quần đảo đang tranh chấp này cách đảo chính Okinawa của Nhật khoảng 400 km. Okinawa là nơi đặt căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ. Căn cứ mới của Trung Quốc có thể gây xáo trộn các chiến lược an ninh nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Mỹ - Nhật.
Li Jie, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã có sự hiện diện quân sự, bao gồm một hệ thống radar, trên quần đảo Nam Kỷ.
"Đó là một vị trí chiến lược quan trọng bởi nó nằm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nó có thể hỗ trợ cho vùng phòng không trên biển Hoa Đông và là một điểm trọng yếu trong đường bảo vệ ven biển của Hải quân Trung Quốc", Li nói. "Không có gì đáng ngờ về việc Trung Quốc muốn tăng cường hiện diện quân sự ở đó".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua thông báo chính phủ nước này đang phân tích các diễn biến. "Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng các hoạt động tại những vùng biển và không phận phụ cận và chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát những động thái này", ông Suga phát biểu trước báo giới ở Tokyo.
Xu Guangyu, thiếu tướng về hưu và là cố vấn cấp cao thuộc nhóm nghiên cứu Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, đặt trụ sở tại Bắc Kinh, nói việc quân đội Trung Quốc duy trì hoặc nâng cấp các cơ sở trên đảo Nam Kỷ là "hoàn toàn bình thường".
"Trung Quốc có các căn cứ quân sự trên một số đảo ven biển chiến lược và (quần đảo) Nam Kỷ là một trong số đó. Truyền thông Nhật Bản chỉ đang chọn riêng Nam Kỷ và quan trọng hóa lên. Điều này có thể gây hiểu nhầm", Xu nói.
Nhật Bản hồi tháng 4 cũng bắt đầu xây dựng một trung tâm giám sát trên hòn đảo không người Yonaguni để giám sát hoạt động xung quanh khu vực có tranh chấp.
Như Tâm