Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, thành phố giãn cách xã hội từ 0h ngày 30/6 đến khi có thông báo mới, sau khi xuất hiện 25 ca nhiễm Covid-19 tại địa phương. Trừ phường Tân Long và xã Thới Sơn thực hiện theo Chỉ thị 15, 10 phường và 5 xã còn lại của thành phố theo Chỉ thị 16.
Chính quyền yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài khi cần mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; đi làm tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc các trường hợp khẩn cấp khác...
TP Mỹ Tho rộng hơn 82 km2, dân số 320.000 người. Ba hôm trước, địa phương này bắt đầu xuất hiện ổ dịch liên quan đến nữ nhân viên 47 tuổi, làm việc tại chi nhánh ngân hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 1, Mỹ Tho. Cơ quan chức năng đã xác định 95 F1, 314 F2 và 513 F3. Trong 24 ca nghi nhiễm mới phát hiện tại thành phố, phần lớn đều liên quan đến ổ dịch này.
Đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận tại Tiền Giang 89 ca Covid-19 trong cộng đồng, tại huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Chợ Gạo và TP Mỹ Tho.
Từ ngày 12/6, Tiền Giang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên toàn tỉnh. Riêng huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Thống Nhất hôm nay bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 các xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3. Hơn 80.000 dân ở các địa phương bị cách ly cho đến khi có thông báo mới.
Biện pháp chống dịch này được đưa ra sau khi tỉnh ghi nhận 10 ca nghi Covid-19 ở xã Gia Tân 3 và một ca ở xã Phú Cường (huyện Định Quán). Đây là chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), nâng tổng số ca bệnh ở tỉnh này lên 30, trong đó Bộ Y tế đã công bố 19 ca. Trong số ca dương tính, nhiều người ở ngoài khu vực phong tỏa.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh này, trong các ca nghi nhiễm mới có một người ở huyện Thống nhất, đang làm việc tại công ty may có 2.700 công nhân tại xã Phú Cường. Ca này là nữ, có anh trai chở hàng tại chợ đầu mối Hóc Môn bị nhiễm Covid-19. Nhà người này 8 thành viên, 6 người đã dương tính.
Tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, 1.629 doanh nghiệp, với hơn 1,2 triệu lao động. Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh lập 121 tổ kiểm tra an toàn Covid-19. Mỗi tổ từ 3-4 người ngoài kiểm tra, giám sát công tác chống dịch tại các doanh nghiệp từ ngày 5 đến 10/7. Ngoài ra, Đồng Nai quy định những người từ TP HCM, Bình Dương đến tỉnh này hoặc ngược lại phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 7 ngày, thực hiện từ 0h ngày 5/7.
Tại Quảng Ngãi, từ ngày 29/6, TP Quảng Ngãi với hơn 260.000 người dân áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, đóng cửa dịch vụ không thiết yếu, không tập trung quá 20 người, hạn chế di chuyển đến nơi khác.
Động thái này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo sau khi các ca nhiễm Covid-19 ở thị xã Đức Phổ khai báo đã đi một số địa điểm ở TP Quảng Ngãi như Trung tâm tiêm chủng VNVC, siêu thị Go và Vincom vào ngày 21/6.
Trước đó, thị xã Đức Phổ, với khoảng 160.000 dân cũng áp dụng biện pháp tương tự, riêng hai phường Phổ Thạnh, Phổ Châu, nơi có 62 ca nhiễm, cách ly theo Chỉ thị 16, các hàng quán bị đóng cửa, người dân không được di chuyển từ vùng dịch đến nơi khác. Ngành y tế Quảng Ngãi đánh giá dịch có thể qua nhiều chu kỳ lây nhiễm với nguồn lây phức tạp.
Tỉnh này dừng hoạt động ôtô theo tuyến cố định, hợp đồng, xe du lịch, xe taxi đi các tỉnh, thành phố và ngược lại, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe vận chuyển phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cấp thiết khác; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng ôtô cá nhân (không kinh doanh vận tải từ 4 đến 9 chỗ) để chở khách.
Đối với các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh có lộ trình đi qua Quảng Ngãi thì không được dừng, đỗ để đón, trả khách. Du khách ngoài tỉnh và người nước ngoài không được đến đảo Lý Sơn. Đối với các trường hợp vì lý do công vụ thì được phép ra đảo nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Cách 300 km về phía Nam, từ ngày 27/6, Phú Yên đã mở rộng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh, sau ba ngày thực hiện tại một số địa phương. Bốn địa phương với hơn 872.000 dân, trong đợt dịch này đã ghi nhận 93 người dương tính gồm huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, huyện Sơn Hòa và TP Tuy Hòa. Trong đó 81 ca được Bộ Y tế công bố và đều liên quan "bệnh nhân 13960", 53 tuổi, bà chủ quán cơm ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, đã cách ly từ ngày 23/6.
TP Tuy Hòa, nơi ghi nhận 63 ca bệnh, đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ ngày 24/6. Chợ Tuy Hòa lớn nhất tỉnh với hơn 1.060 sạp, trên 3.200 tiểu thương phải ngưng hoạt động. Các chợ do các xã phường quản lý cũng đóng cửa.
Thành phố nâng mức độ giãn cách xã hội đối với xã Bình Kiến, theo Chỉ thị 16. Hơn 11.300 dân trong xã cần mua lương thực, thực phẩm chỉ cần viết giấy để trước cổng nhà. Lực lượng chức năng sẽ tới thu nhận, đặt hàng để các cơ sở cung ứng hàng hóa mang tới, rồi chuyển từng hộ dân.
UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt để 4 khách sạn ở TP Tuy Hòa làm cơ sở cách ly y tế và đưa ra phương án ứng phó theo cấp độ ca nhiễm, lên kịch bản chống dịch trong tình huống xuất hiện 200 ca nhiễm; yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp cùng truy vết, cách ly và khoanh vùng xử lý mầm bệnh.
Tỉnh Bình Thuận đã xuất hiện ca dương tính nCoV từ hôm 23/6, đến nay đã ghi nhận 14 ca dương tính, trong đó có một trẻ sơ sinh. Nguồn lây khởi phát từ nữ bác sĩ khoa sản 38 tuổi.
Tiếp sau TP Phan Thiết và huyện Tuy Phong, từ ngày 28/6, huyện Hàm Thuận Bắc, diện tích hơn 1.300 km2, dân số khoảng 200.000 người giãn cách xã hội 14 ngày theo Chỉ thị 15. Đồng thời địa phương phong tỏa xóm 1, thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí và một nhà dân, nơi xuất hiện 3 ca nhiễm.
Để phòng dịch xâm nhập vào địa phương và ngược lại, UBND Bình Thuận chọn bốn vị trí trên quốc lộ 1A cho phép xe đường dài dừng chân, gồm Trạm xăng dầu Số 4 (thị trấn Liên Hương), Trạm xăng dầu Thắng Lợi (xã Chí Công, huyện Tuy Phong), Trạm dừng chân Hưng Thịnh (xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, Trạm xăng dầu Hàm Tân (thị trấn Tân Nghĩa, Hàm Tân).
Cảnh sát giao thông tỉnh tuần tra trên quốc lộ 1A được giao nhiệm vụ thông báo cho chủ xe, tài xế biết và thông tin chỉ được dừng để đổ xăng, ăn uống (tự túc), vệ sinh tại các địa điểm đã được chọn.
Trong khi đó, TP HCM đã trải qua 30 ngày giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và dự kiến sẽ kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 10, khi số ca mắc Covid-19 đang tăng cao, hiện đã ghi nhận 3.716 ca.
Sát TP HCM, Bình Dương giãn cách người dân bốn phường Hiệp An, Mỹ Chánh, Phú Hòa và Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một), thị xã Tân Uyên và TP Thuận An theo Chỉ thị 16. Là tỉnh xuất hiện ca nhiễm nhiều thứ hai ở phía Nam (350 ca), Bình Dương đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia điều tra dịch tễ, chi viện lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ và điều dưỡng; thiết bị test nhanh, máy xét nghiệm và các trang thiết bị phòng hộ khác...
Tiếp giáp hai địa phương trên, Tây Ninh đang giãn cách thị xã Trảng Bàng theo Chỉ thị 15 sau khi địa phương ghi nhận 8 ca nhiễm.
Đợt bùng phát dịch thứ tư, tổng ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 13.147, ghi nhận ở 50 tỉnh thành.
Quốc Nam – Ngọc Linh - Tuấn Khoa