Theo thống kê của Bộ Y tế, hôm 28/6, TP HCM ghi nhận 218 ca nhiễm Covid-19. Đây là ngày thành phố ghi nhận số ca nhiễm cao thứ hai, từ khi dịch bệnh xuất hiện cách đây một năm rưỡi. Số ca tính theo ngày đạt kỷ lục là 724 vào 25/6. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát cuối tháng 4, TP HCM ghi nhận 3.463 ca, cao thứ hai ca nước, sau tỉnh Bắc Giang (5.663).
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), trong 218 trường hợp nhiễm mới có 204 ca tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trước đó nên được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa; 11 trường hợp đang điều tra dịch tễ tại quận 4, 5, 10, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn; một trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp; hai ca trong thời gian theo dõi sau cách ly tập trung.
Hơn nửa tháng qua, mỗi ngày thành phố đều phát hiện nhiều trường hợp nhiễm mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. "Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng", theo đại diện HCDC.
Trước tình hình này, TP HCM dự kiến vẫn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội của Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức.
"Chỉ thị 10 không có thời gian kết thúc nên thành phố vẫn áp dụng để siết chặt các biện pháp phòng chống dịch", ông Đức nói.
TP HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 từ ngày 31/5. Từ 20/6, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 (của UBND thành phố), trong đó có một số biện pháp phòng chống dịch tương tự nội dung Chỉ thị 16.
Cụ thể, các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, các chợ tự phát phải dừng hoạt động. Người dân không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Ngoài ra, TP HCM yêu cầu mọi người giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý người vi phạm công tác phòng, chống Covid-19.
Các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc. Doanh nghiệp hạn chế tối đa làm việc trực tiếp mà chuyển sang làm trực tuyến, nhân viên chỉ đến trụ sở khi cần thiết.
Các đơn vị dừng các hội họp không cần thiết, chỉ tổ chức cuộc họp thực sự quan trọng, tập trung không quá 10 người trong một phòng, được chính quyền địa phương cho phép.
TP HCM đã chia các quận huyện thành 3 nhóm nguy cơ để đưa ra giải pháp phòng dịch. Trong đó, nhóm nguy cơ rất cao, gồm các quận: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Đây là những khu vực ghi nhận số ca nhiễm cao và tăng nhanh, trong đó xếp đầu là quận Bình Tân phát hiện 536 ca, quận 8 là 245 ca, huyện Hóc Môn 236 ca... Những địa bàn cũng xuất hiện nhiều ổ dịch tốc độ lây nhiễm cao, chưa rõ nguồn.
Nơi có nguy cơ cao là các quận Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, 5, 4, 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Trong đó quận Gò Vấp ghi nhận 176 ca nhiễm, cũng là nơi xuất hiện ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở phường 3.
Các quận huyện có nguy cơ gồm quận 10, 11, 7, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ. Đây là địa bàn ghi nhận ít ca nhiễm, cao nhất quận 7 phát hiện 42 ca, thấp nhất huyện Cần Giờ mới 2 ca.
Đánh giá về tình hình dịch trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, nói hôm nay là ngày thứ 12 liên tiếp TP HCM ghi nhận số ca nhiễm lên đến 3 con số mỗi ngày. Thành phố đã triển khai nhiều các biện pháp phòng chống dịch, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
"Tuy nhiên số ca nhiễm hàng ngày còn cao, chưa có dấu hiệu thuyên giảm", ông Phong nói và yêu cầu thành phố cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 10. Người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch hết sức nghiêm túc.