Một thời gian sau, anh xoay sang trồng nhãn xen canh với cóc Thái. Nhưng so với quýt hồng trên cùng một diện tích, cây nhãn cho năng suất không cao. Cuối năm 2021, gia đình anh lại thay bằng cây mít Thái. Cũng như anh Phương, nhiều nông dân khác trong vùng loay hoay chuyển từ cây nọ sang cây kia theo kiểu vừa trồng thử nghiệm vừa nghe ngóng thị trường.
Tôi kể lại chuyện của anh Phương cho một vị nguyên là lãnh đạo thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, khi ông nhờ tôi kết nối với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Vị lãnh đạo này từng được tham quan cơ sở phân tích dinh dưỡng đất nông nghiệp của Cheorwon trong một chuyến công tác trước đó, nên muốn trao đổi thêm để tìm hiểu kỹ hơn.
Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Cheorwon đầu tư một tòa nhà ba tầng với các thiết bị tối tân để phân tích đất trồng cho lúa và các hoa màu khác. Các mẫu đất lấy từ khắp nơi trong huyện sẽ phải qua nhiều khâu và giai đoạn phân tích để cho ra kết luận, đâu là nơi có thể trồng và thích hợp với cây gì. Khi có kết quả, trung tâm chưa đưa vào thực tế ngay mà cán bộ nông nghiệp chuyên trách sẽ lấy những mẫu đất được phân tích thực nghiệm kết hợp với các mẫu giống nhằm kiểm chứng.
Đó là một chu trình khép kín nhằm tìm kiếm giải pháp tư vấn cho nông dân trước mỗi vụ mùa, hạn chế tình trạng nông dân trồng cây theo xu hướng nhất thời, gây cung vượt cầu; hoặc chọn giống cây không phù hợp đặc tính đất, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Việc phân tích dinh dưỡng đất như thế giúp chính quyền sở tại lập được các bản đồ môi trường đất hàng năm để công bố rộng rãi. Nông dân dễ dàng tiếp cận thông qua trang web của trung tâm.
Bản đồ được thể hiện trực quan và sinh động, nông dân muốn trồng cây gì và ở đâu chỉ việc nhấp chuột vào đó, kết quả tư vấn có ngay tức thì. Thông tin mang tính chuyên môn nhưng rất dễ hiểu. Đất được chia ra bốn mức độ bằng các màu sắc khác nhau để biểu thị vùng trồng thích hợp nhất, vùng chỉ trồng được vài nơi, vùng có khả năng trồng, vùng trồng không hiệu quả, và lời khuyên cho 12 nhóm cây đặc hữu khác của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nông dân cũng sẽ nhận được các hướng dẫn kỹ thuật từ trung tâm.
Là một người nước ngoài nhưng khi trải nghiệm trang web này tôi cũng thấy dễ hiểu, tiện dụng, nên nông dân nơi đây chắc chắn không gặp khó khăn gì.
Ngoài những tiện ích kể trên, nông dân còn nắm được bản đồ hiện trạng dinh dưỡng cho biết vùng đất nào thiếu chất gì, nên trong quá trình canh tác, họ sẽ chủ động bón bổ sung chất ấy với liều lượng phù hợp, vừa đủ đáp ứng cho cây trồng. Giải pháp này giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, đặc biệt là chi phí phân bón.
Vị giáo sư chuyên ngành địa lý vẽ bản đồ tại Viện Hàn Quốc học mà tôi đang nghiên cứu giải thích thêm, sau cuộc nội chiến Nam - Bắc Hàn, người Hàn Quốc rất quan tâm tìm hiểu đặc tính đất nhằm có giải pháp đảm bảo an ninh lương thực. Khi đó, cứ 10 hoặc 15 năm người ta sẽ vẽ lại bản đồ môi trường đất phục vụ nông nghiệp. Ngày nay do sự biến động khách quan và chủ quan từ môi trường đến con người, Hàn Quốc thực hiện công việc này hàng năm.
Tôi thử vào trang bản đồ nông nghiệp Việt Nam qua địa chỉ agro.gov.vn thì chỉ nhận được những giải thích sơ sài về hiện trạng vùng trồng kèm phân tích bằng bản đồ nhưng khá khó hiểu. Người tiếp cận không nhận được nhiều thông tin, kiến thức mang tính ứng dụng.
Trên thực tế, ở một số vùng, chẳng hạn Gia Lai, sau 10 năm phân tích đất liên tục, năm 2020 vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai đã ứng dụng bản đồ hiện trạng đất nông nghiệp, triển khai cho bốn xã chuyên trồng mía của tỉnh và đang cho kết quả tích cực. Với những vùng không có nghiên cứu và phân tích đất nông nghiệp, nông dân khá giả sẽ tự trang bị các loại máy đo hàm lượng dinh dưỡng đất (chủ yếu là của Trung Quốc) để test nhanh nồng độ N, P, K, chất hữu cơ, độ mặn, pH nhằm chủ động hơn trong canh tác.
Việt Nam đang hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao nhưng việc "trồng - chặt" xảy ra khá thường xuyên ở nhiều nơi, không chỉ riêng vùng quê của anh Phương. Điệp khúc này sẽ còn là "câu chuyện dài tập" trong bối cảnh giá cả biến động, đất đai ngày càng suy thoái, thời tiết cực đoan khôn lường.
Thử hình dung, nếu nông dân Việt Nam tại mỗi vùng đều được sở hữu nguồn thông tin tham khảo thiết thực và dễ hiểu như cách Hàn Quốc đã làm, họ sẽ đỡ lúng túng hơn với câu hỏi trồng cây gì, trồng thế nào; từ đó góp phần hạn chế tình trạng trồng rồi chặt, chặt rồi trồng như nhiều năm qua.
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, cho thấy giá trị của việc số hóa dữ liệu về khoa học nông nghiệp, biến chúng thành tri thức dễ tiêu thụ, phục vụ công việc sản xuất của nông dân.
Những giải pháp lớn hơn, hay hơn dần dà sẽ được tìm thấy nếu ngành nông nghiệp có ngày càng nhiều hơn nỗ lực của nhà quản lý trong việc chủ động tìm kiếm hướng đi, học tập các mô hình thành công để hỗ trợ người nông dân.
Nguyễn Nam Cường