Nhiều người cho rằng tăng nguồn cung để kéo giảm giá nhà. Theo tôi, chỉ tăng cung nhà mà không có chính sách thuế để kiểm soát thì vẫn là người giàu hoặc người có khả năng vay tiền, họ tranh mua để rồi sau đó đẩy giá lên và bán lại cho người có nhu cầu thực sự.
Cứ mỗi năm những người đầu cơ này đẩy giá lên 10%, tích lũy 5 năm đã thành hơn 50%. Trong khi đó có thuế thì những người muốn đầu cơ này sẽ không mua nữa và người có nhu cầu thực sự sẽ mua được ngay từ đầu.
Bởi vậy chính sách thuế là nhằm mục đích "điều tiết sử dụng nhà ở cho người có nhu cầu thực sự" và "chống đầu cơ trục lợi" chứ không phải để ép cho giá nhà rẻ đi ngay lập tức.
Theo tôi trước tiên cần tháo gỡ vướng mắc các dự án để tăng nguồn cung nhà, đất ở cho thị trường, giúp các doanh nghiệp phát triển bất động sản nhanh chóng bán được hàng.
Những doanh nghiệp nào nợ tiền đất theo luật đất đai trước đây thì được chuyển việc đóng tiền đó cho người mua nhà sau này. Doanh nghiệp được tháo gỡ sớm thì sẽ giảm chi phí lãi vay và từ đó chủ động giảm giá hoặc kìm hãm đà tăng của giá nhà đất.
Tiếp theo cần đánh thuế (hoặc phạt) người bỏ hoang nhà, đất ở để buộc họ phải đưa vào sử dụng cho thuê hoặc bán lại cho người có nhu cầu sử dụng, làm tăng cung nhà ở cho thị trường.
Bước thứ ba mới là đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, có thể áp dụng cách đánh thuế của Singapore nhưng chỉ đối với ngôi nhà thứ hai, ba ở các quận của cùng một đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, hoặc trung tâm của các tỉnh. Một người ( hộ gia đình) chỉ nên cho phép sở hữu một căn nhà tại trung tâm của tỉnh, hoặc quận trung tâm của thành phố lớn.
Tuy nhiên có thể sở hữu một căn nhà ở trung tâm, một nhà ở ngoại ô hoặc 63 căn nhà tại 63 tỉnh thì sẽ phát huy tốt nhất hiệu quả của chính sách thuế trong việc chống đầu cơ nhưng vẫn giúp dòng tiền vốn luân chuyển tới các tỉnh nghèo thay vì tập trung ở các thành phố lớn.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
Quang Tân