Năm con vào lớp một, tôi mạnh dạn xin vào ban đại diện cha mẹ học sinh với mong muốn đóng góp cho tập thể học sinh của lớp và thời gian ngắn ngủi hoạt động tôi luôn thực hiện đúng điều này.
Lúc vừa mới họp bàn - bầu ban đại diện xong thì ngay lập tức người phụ trách thủ quỹ lớp vận động phụ huynh đóng tiền quỹ trong khi nhóm ban đại diện chưa hề bàn thảo kế hoạch thu chi gì cả.
Ngay lập tức tôi lên tiếng yêu cầu dừng ngay lại và hoàn trả tiền cho phụ huynh. Khi ban giám hiệu họp riêng cùng đại diện cha mẹ học sinh của các lớp khối một và đưa ra một danh sách dài các khoản cần đóng góp để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong lớp cũng như tổ chức Lễ khai giảng.
Nhóm ban đại diện khối một khi ấy cũng tích cực bàn thảo, phân công trách nhiệm và giảm bớt tối thiểu những khoản phải đóng góp vì thấy lãng phí không cần thiết.
Đến cuộc họp đại diện cha mẹ học sinh toàn trường thì tôi biết thêm vài thông tin như có những lớp phản đối việc đóng góp quỹ trường, hoặc ban đại diện các lớp phản biện từ chối những đề xuất không hợp lý của trường.
Tất cả những cuộc họp lớn nhỏ cùng ban giám hiệu và giáo viên tôi luôn ghi chép đầy đủ và công bố nội dung vào group Zalo của lớp để tập thể theo dõi. Tuy nhiên, quan điểm hoạt động của tôi thì không phù hợp với nhà trường, giáo viên cũng như một số phụ huynh khác.
Những người tích cực vận động tài chính cho trường thì được hoan nghênh hơn. Sau này, vì bận rộn công việc tôi không tham gia nhóm ban đại diện nữa. Thế là ban đại diện phụ huynh lớp con tôi dành phần lớn quỹ để mua sắm quà biếu thầy cô và những hoạt động phong trào, ăn uống liên hoan. Và cũng không ai gửi những nội dung trao đổi trong các buổi họp lớp, họp trường đến tập thể nữa.
Năm học mới này, trong buổi họp lớp, số lượng phụ huynh đến dự chừng phân nửa bởi lúc đó là 4 giờ chiều, chắc nhiều người còn đang làm việc. Nội dung họp rất chán vì cô giáo cầm tờ giấy đọc từ đầu đến cuối thật nhanh.
Rồi cô dành thời gian khen ngợi các phụ huynh đã tích cực ủng hộ cho lớp thí dụ như sơn mới các vách tường trong lớp. Hạng mục này đáng lẽ ra là trách nhiệm của nhà trường phải thực hiện theo kinh phí giáo dục chứ sao lại vận động phụ huynh.
Cô giáo liên tục dùng những lời có cánh để động viên các phụ huynh khá giả, những người luôn nhanh chóng gật đầu triển khai gợi ý từ nhà trường. Đến phần trao đổi, khi tôi đặt câu hỏi về sự thay đổi của năm học này, số lượng môn học bắt buộc thi ra sao?
Nội dung của các môn học chính, khối lượng bài học trên lớp quá tải và những môn ngoại khóa như STEM, IC3, kỹ năng sống chương trình cụ thể ra sao thì cô giáo ấm ớ không thể trả lời suôn sẻ.
Năm học nào tôi cũng hỏi giáo viên về giáo trình môn kỹ năng sống đóng tiền học hàng tháng mà cô này đổ cô kia và không hề cung cấp cho phụ huynh biết là học gì, học ra sao.
Trong lúc các phụ huynh xôn xao thắc mắc về việc học của con thì nhóm hô hào đóng tiền cũng chỉ im lặng. Trong group Zalo chung, cả lớp chỉ nhận thông báo kêu gọi đóng góp khoản này, khoản nọ mà không có sự giải trình rõ ràng.
Tuần vừa qua, vài phụ huynh lên tiếng về việc bữa trưa ở trường chất lượng kém, có bé nói bỏ cơm không ăn, có bé nói bún mùi thiu, có bé ăn qua loa và chê dở... nhưng ban đại diện vẫn im thin thít chẳng thấy nói năng gì về việc sẽ kiến nghị đến bếp ăn của trường.
Chúng tôi đề nghị chụp hình học sinh của lớp đang ăn thì cô giáo tìm đủ lý do từ chối. Nếu như nhà trường công khai tiếp nhận phản hồi của phụ huynh qua email, Zalo, website, Facebook và tích cực trả lời, giải quyết thì đâu cần gì ban đại diện khi họ chỉ là cánh tay nối dài để thu và chi.
Nhà trường lập ra một tài khoản chung, công bố những khoản cần vận động, phụ huynh sẽ chủ động gửi vào để chi cho hoạt động của lớp mà theo tôi quan sát mấy năm qua thì chỉ có in ấn, photo bài tập là chính.
Còn đồ dùng của học sinh phụ huynh đã mua sắm đầy đủ theo yêu cầu của các giáo viên. Máy móc, đồ dùng hư hỏng lặt vặt cũng có thể trích quỹ chung để sử dụng.
Thực tế đã có rải rác một số trường ở các địa phương áp dụng cách này và rất hiệu quả, phụ huynh hoan nghênh và thoải mái góp tự nguyện theo khả năng.
Trần An Bình