Trong một lần nhờ vợ ra chợ mua vài ký cua đãi khách nhưng gặp phải hàng dỏm, không còn tươi ngon và rất ít thịt, anh Nguyễn Hoàng Văn, quận Tân Bình (TP HCM) nảy ra ý tưởng kinh doanh mặt hàng này để người tiêu dùng có thể tìm thấy những con cua chất lượng, đáng đồng tiền bát gạo.
Cua Bến Tre, cua Đảo (Khánh Hòa) thuộc diện đặc sản ở những địa phương này nhưng nguồn cung rất ít. Sau khi đi thực tế nhiều địa bàn, anh nhận thấy chỉ có cua biển Cà Mau đáp ứng cả 2 tiêu chí: ngon và có thể mua bán số lượng lớn.
Năm 2008, trong một lần công tác ở Cà Mau, anh làm quen với ông Sáu Quẻ - người đầu tiên nhân giống cua tại đây. Sau khi nghe chia sẻ cách nuôi, chế biến, bảo quản của vị tiền bối nhiều năm kinh nghiệm, anh tiến gần hơn tới ý định kinh doanh và tạo trang web cung cấp mọi thông tin về cua là bước đi đầu tiên. Nhận thấy lượt truy cập ngày càng tăng và nhiều người hỏi mua cua Cà Mau, cuối năm 2010, anh cùng một người bạn mở công ty cung ứng cua sống.
Thời gian đầu hầu như chỉ thua lỗ. Anh vẫn mơ hồ trong cách xác định cua ngon hay dở, nhiều thương lái còn trộn hàng kém chất lượng vào. Không nản chí, cứ 2 lần một tuần, anh xuống Cà Mau học hỏi người dân trong vùng. Tình hình không mấy cải thiện khi những chuyến hàng đầu, thương lái chuyển loại ngon, các ngày tiếp theo lại dở. Do đã nhận tiền của khách nên khi hàng không đảm bảo chất lượng, anh phải trả tiền lại rồi mang ra bán tháo cho các chợ.
Giữa năm 2011, người bạn nhận thấy kiểu kinh doanh này quá bấp bênh, chưa thu đồng lãi nào nên muốn rút vốn. “Mẹ và anh trai cũng muốn tôi bỏ công việc này. Tôi rất buồn, nhưng thâm tâm lại có gì đó cứ thôi thúc quyết phải làm được”, anh tâm sự.
Tự sốc lại tinh thần, anh làm thêm các công việc như tư vấn tiếp thị website, phát triển sản phẩm cho khách hàng... để kiếm đồng ra đồng vào nuôi công ty. Anh thường xuyên phải lao động 20 tiếng một ngày, chỉ với ý nghĩ duy nhất là quyết đeo đuổi nghề cua đến cùng.
Khi đã tích lũy thêm chút vốn, anh ở hẳn Cà Mau 2 tháng, trải nghiệm với người dân vùng biển như lựa từng con cua, nghiên cứu làm sao con cua sống lâu, vì sao nó bệnh… Tiếp đến, anh khăn gói sang Trung Quốc 2 tháng, đi qua 6 tỉnh thành, đến các chợ học cách bán lẻ, bán sỉ và cách làm thương hiệu cua của họ. Từ đó, anh nghiệm ra một điều, cua gạch Cà Mau gần như là món sản vật ngon nhất ở châu Á và người Trung Quốc xem cua Việt quý như vàng.
Sau khi trở về nước, anh đăng ký nhãn hiệu, logo độc quyền ở Cục sở hữu trí tuệ rồi dán tem lên từng con như một lời khẳng định chắc nịch "đây là cua Cà Mau chính hiệu", chứ không phải từ một nơi nào khác.
Vào đầu năm 2012, anh kiểm soát chặt quy trình thu mua với cam đoan chỉ bán cua chất lượng và nếu khách hàng chê là trả tiền. Hàng ngày, cứ khoảng 5h sáng, anh bắt đầu lựa từng con được chuyển từ trạm thu mua tại Cà Mau lên TP HCM. “Nếu nó còn sống là còn tiền, khi cua chết đương nhiên mất 70% số tiền, bán cua chết chỉ thu được khoảng 30%”, anh chia sẻ. Bên cạnh việc cung cấp cua sống, công ty còn mở điểm chế biến món ăn từ cua để khách có thể ăn thử.
Cùng VnExpress phát triển ý tưởng kinh doanh Hãy chia sẻ ý tưởng của bạn tại đây. |
Giá cua chào bán trên website hiện 200.000-500.000 đồng một kg gồm cua thịt, cua gạch, cua cốm… và được cập nhật mỗi tuần. Khách hàng của anh chủ yếu là giới văn phòng. Có người mua cua sống hoặc đặt làm sẵn các món như: cua rang me, rang muối, nướng... với giá trung bình 50.000 đồng một con.
Nếu khách đặt từ 2 kg trở lên được giao miễn phí trong khu vực TP HCM, nếu số lượng ít hơn thì người mua trả thêm 30.000 đồng, ở ngoại thành 50.000 đồng. Ngoài ra, công ty còn hợp tác với một số công ty vận chuyển để giao tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột… qua đường hàng không.
Dần dần anh có lượng khách hàng ổn định. Hiện tại, mỗi ngày công ty tiêu thụ vài chục kg cua. “Mỗi lần khách hàng gọi điện khen cua ngon và giới thiệu thêm nhiều khách nữa. Tôi thật sự rất phấn khởi vì điều này cho thấy sự chọn lựa theo nghiệp cua là đúng”, anh chia sẻ. Hiện tại, anh kiếm khoảng 70 triệu đồng mỗi tháng nhờ vào bán và chế biến cua, trong khi gần 2 năm đầu lỗ tới 300 triệu đồng.
Anh cũng thường chỉ cho khách cách nhận biết loại ngon. Nếu lớp da của nó thẳng bóng, đó là cua mập; bóp yếm cảm thấy cứng tay là cua chắc hoặc khi bóp vừa tay, nếu thấy cua giãy giụa toàn bộ que, càng thì cua còn khỏe... Anh cũng ghi lại công thức chế biến, thường xuyên đăng các bài viết hướng dẫn cách chọn cua, tư vấn cách lột cua… trên website.
Vào tháng 8, anh Văn cung ứng cho thị trường Nhật khoảng 4 tấn cua biển Cà Mau và sắp tới có thể là thị trường Đài Loan, Mỹ. Anh hồ hởi nói: "Tôi cảm thấy vui lắm khi xuất được mẻ cua đầu tiên sang Nhật bởi đây là một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới". Để có được thành công này, anh đã phải mất cả một tháng để chứng minh nguồn gốc cua Cà Mau, làm một số đoạn video hướng dẫn cách chế biến món ăn từ cua và thương thảo các điều khoản hợp đồng... với phía đối tác Nhật.
Công ty cũng đang đàm phán với một số doanh nghiệp Nhật để thuyết phục họ chấp nhận sản phẩm cua có dán tem thương hiệu Việt vì anh Văn muốn bạn bè quốc tế có thể biết đến sản vật này xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất của anh là vào dịp lễ hay sự kiện lớn, Trung Quốc thường phá giá cua, gom hết hàng khiến công ty có khi nhận nhiều đơn đặt hàng nhưng không thể mua cua được. “Giá cua biến động như giá vàng, có khi dao động đến 350.000 đồng một kg và lúc đó tôi muốn mua thì phải đấu giá”, anh cho hay.
Mai Phương