Nguyên tắc cơ bản của Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (car compulsory insurance-CCI) là: bảo đảm (100%) có nguồn chi trả thiệt hại cho bên thứ ba. Xe mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm trả trước chi phí, trường hợp bị loại trừ, hoặc đòi lại chủ xe, hoặc quỹ bảo hiểm chung chi trả. Đây là công cụ quản lý xã hội nhân đạo, nhân văn rất cơ bản của các quốc gia văn minh. Chính vì vậy mà đây là loại bảo hiểm bắt buộc theo luật ở hầu hết các quốc gia cho phép sử dụng xe cơ giới trên thế giới.
Luật này lần đầu được đưa ra năm 1930 ở Anh. Để đảm bảo thực hiện được mục đích nhân đạo trên, điều kiện tiên quyết trong luật về CCI (ở EU) là:
Quyền lợi của chủ xe là: Khi tai nạn xảy ra, được doanh nghiệp bảo hiểm trả thay cho mình toàn bộ chi phí thiệt hại về người và tài sản gây ra cho bên thứ ba (bị hại).
Quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm là: có quyền đòi lại chủ xe các chi phí đã trả nếu nguyên nhân tai nạn thuộc vào các trường hợp bị loại trừ.
Như vậy không những bên thứ ba chắc chắn được đền bù mà nếu như chủ xe khó khăn về tài chính thì có thể trả dần khoản nợ của mình với doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội bảo hiểm. Nói cách khác, khi tai nạn xảy ra, bảo hiểm chi trả trước, đúng sai thế nào của chủ xe bảo hiểm tính sau.
Nhưng luật về CCI ở Việt Nam (là Nghị định 103/2008, Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính) lại nói rằng: "Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại". Có nghĩa là chủ xe phải chi trước rồi ‚"xin lại" sau. Như vậy là luật ở Việt Nam đã loại trừ hai tiêu chí nhân đạo quan trọng nhất ở trên bởi vì nếu chủ xe không có khả năng chi trả (mà thực trạng ở Việt Nam thì rất phổ biến) thì làm gì còn sự đảm bảo 100% kia nữa?
Như vậy, Nghị định 103/2008 đã rộng mở môi trường pháp lý cho doanh nghiệp đẩy rủi ro (mà họ đã mua) sang phía khách hàng và người dân bị tai nạn.
Ở châu Âu, theo pháp luật quy định bảo hiểm phải chi trước và nếu muốn lấy lại phần chi thuộc trách nhiệm của chủ xe, bảo hiểm phải chứng minh cho quyền lợi đó và vì vậy hầu hết các thủ tục hành chính, tranh chấp pháp lý, đòi nợ, thi hành án, chống trục lợi công ty bảo hiểm sẽ phải làm và đó là điều rất hợp lý vì họ có cả một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, công cụ pháp lý để thực hiện.
Người mua bảo hiểm còn được các dịch vụ liên quan như cứu hộ, thuê xe, sửa xe, y tế, chăm sóc chu đáo bởi vì họ biết chắc chắn là bảo hiểm phải chi trả. Và nếu trì hoãn, làm khó thì căn cứ vào ủy quyền của chủ xe, sẽ xử lý vụ việc. Ở Việt Nam, chủ xe sau khi phải bỏ ra khoản tài chính chi phí cho bên thứ ba đã có thể phá sản rồi còn phải chạy lo hàng loạt các thủ tục mà đến lúc trình cho bảo hiểm có thể còn bị bác hoặc cắt xén tùy theo mức độ khó hoặc dễ tính của bảo hiểm. Thực tế cái khâu có mùi quyền lợi thì cửa nào cũng thấy "gợi ý bôi trơn thủ tục". Hầu hết đều phải "tặc lưỡi" đằng nào cũng chi rồi, lấy lại được chút ít còn hơn là không.
Tháng 5, có thông tin về kế hoạch chỉnh sửa, thay đổi Nghị định 103/2008 vậy mong rằng những quyền lợi cơ bản và chính đáng của chủ xe sẽ được đầy đủ như bản chất gốc mà thế giới đã tạo ra. Khi được như vậy, hầu hết các chủ xe sẽ tự nguyện mua bảo hiểm chứ không phải chỉ ở tỉ lệ 30% như thống kê trong tháng 5/2020.
Độc giả Phan Tiên