Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay ghi nhận 141 ca dương tính với sởi và 432 trường hợp phát ban nghi sởi. Riêng khu vực miền Bắc có 90 ca, cao gấp 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 38% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm văcxin phòng sởi, 55 trường hợp không tiêm chủng, 22 ca không rõ tiền sử tiêm chủng và chỉ 10 bé có tiêm văcxin.
Tại miền Bắc, năm 2013-2014 đã xảy ra vụ dịch sởi lớn. Do đó, theo chu kỳ 4 năm một lần, năm nay có thể dịch sởi sẽ quay trở lại, theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Vậy bạn đã biết gì về bệnh sởi để có thể phòng tránh và chữa trị?
Sởi là một bệnh lây lan do virus, thường gặp ở trẻ em với đặc điểm lâm sàng là viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ở ngoài da. Bệnh có thể để lại biến chứng nặng.
Tác nhân gây bệnh là vieus thuộc nhóm RNA Paramyxovirus, Morbillivirus. Virus sởi hiện diện trong dịch cổ họng, trong máu và ttrong nước tiểu bệnh nhi ở cuối giai đoạn ủ bệnh và một thời gian sau khi phát ban. Virus sởi có thể sống ít nhất 34 giờ trong không khí. Bệnh lây qua đường hô hấp do dịch trong cổ họng chứa virus sởi văng ra ngoài không khí khi bệnh nhân nói chuyện sổ mũi hắt hơi.
Sởi có thể xảy ra khắp mọi nơi, suốt cả năm. Bệnh rất lây lan, dễ phát triển thành dịch, chu kỳ 2-4 năm một lần. Tính chu kỳ là do số lượng người chưa có miễn dịch trong cộng đồng đạt đến tỷ lệ cao thích hợp (40-50%), nếu lúc đó xuất hiện vài ca bệnh sởi là dịch có thể xảy ra. Tuổi dễ mắc bệnh là từ 6 tháng đến 10 tuổi.vTrẻ dưới 6 tháng có kháng thể của mẹ truyền qua nhau khi còn là thai nhi, sau đó kháng thể giảm dần. Khoảng 90% trẻ trên 10 tuổi đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh sởi. Hầu hết người lớn ít bị bệnh sởi vì đã có miễn dịch.
Bệnh biểu hiện qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 10-12 ngày, không có triệu chứng gì. Đến ngày thứ 9-10, có thể bị sốt nhẹ.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 4-5 ngày. Là khoảng thời gian lây lan nhất. Các biểu hiện chính là sốt đi kèm với mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ khớp. Tình trạng viêm long luôn luôn xảy ra. Viêm ở mắt gây chảy nước mắt, nhiều ghèn, kết mạc mắt đỏ, sợ ánh sáng. Mi mắt có thể sưng phù. Viêm ở mũi gây hắt hơi sổ mũi, ở họng gây khàn giọng ho đờm. Viêm đường tiêu hóa gây tiêu chảy. Sau đó người bệnh xuất hiện dấu Koplik, tức trong miệng có những chấm trắng nhỏ độ một mm, nổi trên niêm mạc má màu đỏ xung huyết, ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này xuất hiện và biến mất trong vòng 12-18 giờ.
- Giai đoạn phát ban: Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần ra hai bên má cổ ngực bụng và hai cánh tay. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan ra sau lưng, hông và hai chi dưới. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất, có những khoảng da lành xen kẽ giữa những vùng phát ban. Trong các thể nhẹ thì ban đỏ thưa thớt, không lan đến bàn chân. Còn ở thể nặng thì ban dày đặc, gần như toàn bộ da bị ban che kín. Khi bắt đầu phát ban thì nhiệt độ tăng đột ngột, nhưng khi ban đã mọc đến chân thì nhiệt độ giảm.
- Giai đoạn phục hồi: Thường thì sởi “bay” theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da gọi là vết vằn da hổ. Bản thân bệnh sởi lành tính, nhưng nếu người bệnh không được chăm sóc kỹ hoặc ngược lại kiêng khem quá đáng thì sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm:
Viêm phổi: Là biến chứng hay gặp nhất, do virus sởi hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Sốt vẫn còn sau khi phát ban, ho kéo dài, suy hô hấp.
Viêm tai giữa: Sốt cao, quấy khóc, chảy mủ vàng ở tai, điều trị chậm sẽ gây thủng màng nhĩ.
Viêm thanh quản: Khó thở, ho khan, khàn giọng.
Viêm não tủy: Hiếm nhưng trầm trọng. Sốt cao, nhức đầu, ói mửa, cổ cứng, lơ mơ, co giật. Tử vong 10%. Nếu sống sót có nhiều di chứng thần kinh trầm trọng.
Cam tẩu mã: Là bệnh viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, hoại tử phần mềm làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương, răng lung lay rụng dần, có mùi hôi thối. Tỷ lệ tử vong cao.
Viêm ruột kéo dài: Tiêu chảy liên tục và suy dinh dưỡng là hậu quả.
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế
Khi có các dấu hiệu sau :
- Trẻ sốt cao liên tục 39-40oC.
- Khó thở, thở thanh.
- Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
Chăm sóc và theo dõi trẻ bệnh tại nhà
Nếu có đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ.
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt trên 38,5oC theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh bị lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
- Cắt móng tay tránh gãi làm xước da.
- Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% ba lần mỗi ngày.
- Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió, sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
- Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn hợp lý (cho trẻ từ 6 tháng trở lên).
- Cách chế biến thức ăn: Mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị bệnh nhi.
Lưu ý:
- Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.
- Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung uống viên kẽm (Zn).
- Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A.
Bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A, bảo vệ mắt:
- Trẻ dưới 6 tháng: Uống 50.000 đơn vị một ngày trong hai ngày liên tiếp.
- Trẻ 6-12 tháng: Uống 100.000 đơn vị một ngày trong hai ngày liên tiếp.
- Trẻ trên 12 tháng và người lớn: Uống 200.000 đơn vị một ngày, trong hai ngày liên tiếp.
Nếu thiếu vitamin A, cần lập lại sau 4-6 tuần.
Phòng bệnh
Tiêm văcxin.
-Tiêm văcxin là biện pháp phòng sởi an toàn nhất.
- Tiêm văcxin phòng bẹnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ 18 tháng.
- Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
- Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
Vệ sinh cá nhân và môi trường
- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cách ly với trẻ lành.
- Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi.
- Tránh tối đa việc dụi mắt, mũi.
- Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
- Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang, đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn