Đọc bài viết 'Nguyên nhân đường phố Việt Nam nhiều tiếng còi xe' của độc giả An Ho tôi xin bổ sung thêm là những người hay bấm còi cảnh báo lâu dần sẽ thành quen. Đối với nhóm người này, khi không bấm còi họ sẽ bị nhát tay. Không có gì nguy hiểm hay cần cảnh báo cũng bấm.
Thật sự có nhiều tình huống không bấm còi cũng có bị gì đâu, nhưng họ vẫn bấm. Hàng ngày tôi đi trên đường đều để ý hành vi này thấy rất nhiều. Ví dụ, có những người chạy sau xe của tôi (tôi đi xe đàng hoàng, không lạng lách), người ta bấm còi tôi tạm hiểu là yêu cầu tôi tránh ra cho họ đi. Tình huống này khá vô lý vì lúc này tôi đi qua ngã tư trong nội khu, việc tôi đi chậm lại để quan sát là bình thường có bị gì đâu mà phải hối thúc.
Thật ra, những người này như phản xả họ cứ bấm còi vài cái cho an tâm, lâu rồi thành quen tay là cứ bấm chứ chả có nguy hiểm gì ở đây cả. Người thường bấm là lao động phổ thông, người già, phụ nữ, là những người tôi đi đường để ý thường bấm còi nhất. Tuy nhiên, dù là ai khi tham gia giao thông cũng nên hạn chế hoặc bỏ ngay thói quen này.
Trước đây tôi cũng từng bấm còi nhưng từ năm 2015, tôi đi du lịch Thái chơi xong là về bỏ cái còi luôn. Khi đi ôtô tôi nhường đường, không còi mặc dù vẫn vượt bình thường. Cùng lắm tôi chỉ bấm một tiếng còi mục đích thay cho một lời nhắc nhở nếu gặp người đi xe ẩu thôi. Vì vậy khoảng 8 năm rồi tôi vẫn an toàn dù chỉ bấm còi đếm trên đầu một bàn tay.
Độc giả Bảo Lê