Tôi đọc được ý kiến của một độc giả trong bài viết 'Ra đường nhanh vài giây đèn đỏ có thể chậm cả đời' như thế này: "Tôi từng làm nhiều thí nghiệm lúc sắp đèn xanh thử bấm còi hoặc nổ máy xe, thế là có một số người như nghe tín hiệu phản xạ có điều kiện là cho xe vọt lên ngay". Bản thân tôi cũng có phản xạ này, mỗi khi nghe tiếng còi hay tiếng thốc ga từ phía sau là tôi vội vàng cho xe di chuyển.
Đã có lần tôi mắc lỗi vượt đèn đỏ xong mới biết mình đã nhầm. Thay vì nhìn đèn, tôi đã cho xe di chuyển theo phản xạ một cách ngớ ngẩn chỉ vì xe đi ngay sau tôi bấm còi inh ỏi lúc đèn đỏ còn 5 giây. Mỗi lần như vậy tôi đều tự nhủ sẽ chú ý hơn, nhưng điều này thỉnh thoảng vẫn xảy ra khi bất chợt nghe tiếng còi từ đằng sau.
Tôi tự hỏi tại sao tôi và nhiều người lại bị ảnh hưởng bởi tiếng còi xe hay tiếng động cơ từ phía sau. Thực ra, tiếng còi là âm thanh được sinh ra để cảnh báo nguy hiểm, để nhắc nhớ người khác rằng đang làm gì không đúng hoặc đang làm phiền người khác. Thứ âm thanh được nghiên cứu ra có sức gây ảnh hưởng thần kinh khiến cho người khác cảm thấy sai trái.
Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều người lợi dụng âm thanh này sử dụng còi vô tội vạ, không cần biết đúng sai vẫn cứ bấm còi. Xin đường - bấm, bực mình xe khác chắn lối - bấm, đèn đỏ còn 5 giây mà xe trước chưa đi - bấm, cảm thấy sắp có va quệt - bấm (dù có thể xử lý bằng cách đơn giản là đi chậm lại)... Trong khi ở các nước văn minh, người ta cực kỳ hạn chế sử dụng còi và chỉ sử dụng trong các các tình huống thực sự khẩn cấp hoặc đã rất bực mình với tài xế phía trước vì làm gì đó vô cùng sai trái - với dụng ý tương tự như một câu chửi bậy.
Tôi bày tỏ ý kiến của tôi mong rằng trong giao thông mọi người đối xử với nhau văn minh hơn, không tùy tiện sử dụng còi. Không gây áp lực cho người khác bằng còi xe ít nhất sẽ không có những cú lừa vì còi mà vượt đèn đỏ như tôi.
Độc giả Huy Thành