Là tâm dịch, Đà Nẵng có hơn 10.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt hai. Tại điểm trường THPT Phan Châu Trinh, hầu hết thí sinh đánh giá đề Ngữ văn vừa sức, đã được thầy cô dạy trên lớp. Nam sinh Nguyễn Trần Thông nói mới nhìn qua đề có vẻ dài, nhưng khi bắt tay vào làm thì nhận thấy kiến thức rải đều nên chỉ cần 90 phút để làm hết, còn lại rà soát trước khi nộp bài. "Em không học tủ nên làm bài cũng cảm thấy nhẹ nhàng", Thông nói, dự đoán được 7 điểm.
Phần phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhiều thí sinh thi khối Khoa học xã hội hào hứng. Là lính nghĩa vụ quân y tại Vùng 3 Hải quân, dự thi để xét tuyển vào Học viện Biên phòng, thí sinh Trần Đức Tuấn cho biết ba tháng tân binh gắn với thao trường dưới những tán cây rừng ở Sơn Trà, từ đó có thêm cảm hứng để làm bài.
"Em rất ấn tượng với câu thơ Rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Bởi là người lính, em hiểu hơn về giá trị của rừng. Cây rừng giúp che khuất tầm nhìn của giặc, nhưng lại tạo bóng mát để những người lính có thể nghỉ ngơi sau những giờ thao luyện, hành quân", Tuấn nói.
Đánh giá về thi Văn đợt hai, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cho rằng từ ngữ liệu cho đến yêu cầu của các câu lệnh trong phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT đợt một.
Phần đọc hiểu (3 điểm) ngữ liệu vẫn là trích đoạn một văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận cùng dung lượng tương đương với ngữ liệu được sử dụng trong đề thi đợt một. Nội dung cùng hướng tới những vấn đề của tư tưởng, đạo lý, gửi gắm thông điệp về vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống. 4 câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ nhận biết (câu 1; 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4).
Phần 2 làm văn giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) và bài nghị luận văn học (5 điểm). Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nghị luận "sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống". Vấn đề "niềm tin" và khía cạnh bàn luận "sự cần thiết phải có niềm tin" hoàn toàn không xa lạ với học trò và chắc chắn cũng đã xuất hiện trong rất nhiều bài ôn luyện của thầy cô. Vì thế, một mặt đề không làm khó học trò, nhưng mặt khác có thể hạn chế phần nào hứng thú và khả năng sáng tạo cũng như sự phát huy cái tôi độc lập.
Câu 2 bài nghị luận văn học đặt ra yêu cầu "phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến" của phần cuối đoạn trích "Việt Bắc". Nếu cảm hứng về đất nước, dân tộc, cách mạng... rất phù hợp với cả hai đợt thi của năm 2020 - năm chẵn cho những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, thì sự tương đương về dung lượng, thể loại của ngữ liệu phần nào cũng làm giảm đi tính bất ngờ vốn luôn tạo ra hứng thú cho học trò khi làm bài.
Nhìn chung, theo cô Tuyết, đề thi tốt nghiệp THPT đợt hai vẫn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT. Đề không khó, nhưng tính phân loại không cao và đem lại cảm giác hụt hẫng cho một bộ phận học trò khao khát sự mới mẻ trong thông điệp tư tưởng, vấn đề bàn luận.
Năm nay lần đầu tiên trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi một tháng rưỡi và chia làm hai đợt do ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 880.000 thí sinh thi đợt một ngày 9-10/8 và đã biết điểm. Hơn 26.000 thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi ở Quảng Nam, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và thí sinh F0, F1, F2 dự thi đợt hai.
Thí sinh sẽ làm bài thi Ngữ văn trong 120 phút vào sáng 3/9, chiều thi Toán trong 90 phút. Ngày 4/9, thí sinh làm bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong buổi sáng và môn Ngoại ngữ buổi chiều.
Nguyễn Đông - Đắc Thành - Trần Hóa