Công ty của anh hoạt động từ năm 2005, những công nhân đầu tiên ở nhà máy giờ đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 10-15 năm. Họ là những người có tay nghề, thu nhập mỗi tháng tầm chục triệu và cũng là nhóm dùng dằng chuyện tiếp tục ở lại hay nộp đơn nghỉ việc.
Quyết không để công nhân lâm vào cảnh khó khăn phải nghỉ việc rút bảo hiểm, nhà máy nghĩ ra đủ cách giữ chân. Nếu người lao động cần số tiền lớn để xây nhà, công đoàn sẵn sàng bảo lãnh với ngân hàng để họ vay vốn. Những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, công đoàn đứng ra vận động quyên góp giúp đỡ, mỗi lần 50-60 triệu đồng.
Nhưng bất chấp nỗ lực của công ty, công nhân vẫn chọn nghỉ việc. Lý do họ đưa ra là để "làm mới", "đập đi xây lại" quá trình đóng bảo hiểm xã hội chứ không hẳn vì một cục tiền.
Chị Hà, 35 tuổi, đã làm như thế. Chị nói đã tính toán rất kỹ khi nộp đơn xin nghỉ việc sau 18 năm làm công nhân.
17 năm trước, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của những công nhân như chị chưa đến 600.000 đồng mỗi tháng và nhích dần qua từng năm nhưng không đáng kể. Theo quy định hiện hành, lương hưu được tính trung bình cả quá trình đóng nên chị lo vài chục năm nữa khoản trợ cấp hưu trí chị nhận được sẽ không đủ... ba bữa ăn. Chị nhất quyết nghỉ việc, chờ đủ một năm rồi rút bảo hiểm, bỏ hẳn giai đoạn lương thấp.
Chị tính sơ số tiền rút một lần hơn trăm triệu đồng, 12 tháng nhận trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng 5 triệu đồng. Trong thời gian này, chị đi làm thời vụ, thu nhập cũng không kém lúc làm chính thức.
Năm sau, chị sẽ quay lại nhà máy. Với những người có tay nghề, công ty sẵn sàng nhận lại với nhiều ưu đãi, trả lương khởi điểm bậc ba, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ít nhất sáu triệu đồng, gấp 10 lần mức đóng cách đây 17 năm. Từ năm 2035, tuổi nghỉ hưu theo quy định của lao động nữ là 60. Tức chị còn 25 năm nữa mới hết tuổi lao động. Chị tin rằng với mức đóng bảo hiểm cao hơn, lương hưu sau này sẽ tốt hơn.
Nhiều năm qua, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là công nhân như chị Hà, đa phần dựa theo lương tối thiểu vùng. Hiện tại, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì vài chục năm nữa, nỗi lo "lương hưu không đủ ăn" của chị Hà là hoàn toàn có cơ sở.
Theo quy định hiện hành, nếu mức hưởng quá thấp, lương hưu sẽ được nâng lên bằng mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng) và tính thêm phần trượt giá hàng năm. Tuy nhiên, các chính sách bù đắp vẫn chưa thể làm người lao động an tâm.
Chị Hà nằm trong nhóm 97% người chọn nhận trợ cấp một lần sau một năm nghỉ việc, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cơ quan này cũng ghi nhận tuổi của lao động rút bảo hiểm một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.
Như vậy với quy định hiện nay, những lao động dưới 40 tuổi, sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần, còn đủ thời gian để tiếp tục tham gia một quá trình đóng mới mà đến khi hết tuổi lao động, họ vẫn đủ điều kiện nhận lương hưu.
Hiện nay, luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Đề xuất này kỳ vọng đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động và khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thế nhưng khi tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng (62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035), cách tính lương hưu vẫn dựa trên cả quá trình đóng, chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng thì sẽ không có gì đảm bảo người lao động không tiếp tục chia nhỏ giai đoạn, lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần ở những năm họ cho là mức đóng quá thấp, làm ảnh hưởng đến lương thụ hưởng sau này. Như thế, nguồn thu của quỹ bảo hiểm xã hội sẽ không thể ổn định để đầu tư sinh lời, đảm bảo được nguồn chi trả các chế độ cho người lao động.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm thực hiện luật Bảo hiểm xã hội 2014 (2016-2020), tổng số người hưởng trợ cấp một lần là trên 3,7 triệu người, tức trung bình mỗi năm có gần 750.000 người rời khỏi hệ thống. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau thường cao hơn năm trước với mức tăng bình quân 6,5%/năm. Nghĩa là Quỹ phải chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho khoản trợ cấp một lần.
Theo quy định, quỹ bảo hiểm sẽ được đầu tư vào các kênh như mua trái phiếu Chính phủ, gửi vào các ngân hàng thương mại uy tín, cho ngân sách nhà nước vay. Trong trường hợp nguồn thu không ổn định để đầu tư sinh lời, bắt buộc ngân sách nhà nước phải có dự phòng để bù vào, đảm bảo nguồn chi cho người lao động.
Những công nhân như chị Hà không thể can thiệp vào mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm, càng không quan tâm đến quỹ bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng ra sao nhưng chị có quyền lựa chọn giai đoạn có mức đóng tốt nhất cho lương hưu của mình. Dù phải đối mặt rủi ro có thể không đi hết quá trình nếu chẳng may ốm đau, mất việc khi lớn tuổi, nhưng với chị đây vẫn là cách đỡ tệ nhất.
Công nhân - những người sẽ trực tiếp cầm và tiêu đồng lương hưu ít ỏi - đã làm một bài toán cho mình, và chỉ ra rõ ràng sự bất cập của chính sách hưu trí hiện hành.
Lê Tuyết