Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 7/1 nói rằng mỗi nước thành viên NATO nên tăng ngân sách quốc phòng lên mức 5% GDP, thay vì 2% như quy định của liên minh hiện nay. Mức tăng từ 2% lên 5% đồng nghĩa mỗi quốc gia NATO sẽ phải tăng chi tiêu quân sự thêm 150% so với hiện nay.
Đây không phải lần đầu ông Trump đề cập vấn đề tăng ngân sách quốc phòng của các nước thành viên NATO. Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông đã nhiều lần phàn nàn về mức chi tiêu quân sự được cho là quá thấp của nhiều quốc gia trong liên minh.
Giới quan sát nhận định đây là động thái khởi đầu chiến dịch gây sức ép của Tổng thống đắc cử Mỹ, buộc các đồng minh phải làm nhiều hơn nữa trong chi tiêu cho quốc phòng.
"Thật khó tưởng tượng khả năng các đồng minh trong NATO đạt mức chi tiêu quân sự tương đương 5% GDP, ít nhất là trong tương lai gần. Đây là một phần chính sách ngoại giao cứng rắn của chính quyền ông Trump về chia sẻ gánh nặng quốc phòng", Ian Lesser, thành viên tổ chức nghiên cứu Quỹ German Marshall ở Bỉ, nêu quan điểm.
Các nước NATO đã chạy đua tăng ngân sách quốc phòng kể từ khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine. Năm 2023, mục tiêu 2% GDP dành cho ngân sách quốc phòng trở thành yêu cầu cơ bản với mỗi nước thành viên NATO.
Theo đánh giá gần nhất của NATO, 23 trong 32 thành viên của khối sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm 2024, so với chỉ 3 nước làm được điều này hồi năm 2014.
Trong số này, Ba Lan là quốc gia dẫn đầu với mức chi tương đương 4,12% GDP. Mỹ và Anh đang đầu tư lần lượt 3,38% và 2,3% GDP cho quốc phòng, trong khi Pháp và Đức chỉ vừa đủ vượt qua ngưỡng 2%. Tây Ban Nha là nước có mức chi tiêu quân sự thấp nhất liên minh với 1,28% GPD.
Xét theo quy mô nền kinh tế, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm hơn 60% tổng ngân sách đóng góp cho NATO. Điều này khiến ông Trump không hài lòng, cho rằng các nước thành viên đang hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ. "Châu Âu chỉ bỏ ra số tiền rất nhỏ so với chúng ta. Vì sao Mỹ phải chi nhiều hơn châu Âu hàng tỷ USD?", ông nói hôm 7/1.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte thừa nhận con số 2% GDP là không đủ để đối phó với mối đe dọa từ Nga, ám chỉ rằng khối có thể tăng mục tiêu về chi tiêu quân sự của các nước thành viên lên mức 3% GDP.
Các quốc gia gần xung đột Ukraine như Ba Lan và những nước vùng Baltic hưởng ứng lời kêu gọi tăng chi tiêu quân sự. Ngay cả các nước chưa hoàn thành mức chi 2% cũng thừa nhận phải tăng ngân sách quốc phòng.
Trong báo cáo rò rỉ hồi tháng 5/2024, giới chức NATO ước tính các nước thành viên chỉ có thể cung cấp chưa đầy 5% năng lực phòng không cần thiết để bảo vệ những quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu trước một cuộc tấn công toàn diện.
"Điều này đồng nghĩa 95% châu Âu hiện rất dễ bị tổn thương trước nguy cơ bị tấn công", Mark Toth và Jonathan Sweet, hai nhà phân tích của Hill, nhận xét.
"Cộng đồng an ninh ngày càng đồng thuận rằng mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng của NATO không còn phù hợp với tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng", Stuart Dee, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nhóm Quốc phòng và An ninh tại viện nghiên cứu RAND, nói.
Giới quan sát cho rằng mục tiêu 5% GDP có thể dễ dàng với Mỹ, vì quốc gia này có lợi thế về nền kinh tế và ngành công nghiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, con số này là bài toán khó với đa số thành viên NATO.
Nhà nghiên cứu Stuart Dee lưu ý rằng đạt mức 2% GDP vẫn là điều khó khăn với nhiều quốc gia NATO, khi nền kinh tế của họ không đủ sức đáp yêu cầu tăng ngân sách.
Ngay cả với Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đó vẫn là "số tiền rất lớn", Thủ tướng Olaf Scholz nói hôm 9/1. Ông Scholz cho biết chính phủ Đức sẽ phải tìm cách huy động thêm 153 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng tỷ lệ 5% GDP do ông Trump đưa ra, điều bất khả thi trong tình hình hiện nay.
Châu Âu từ lâu đã tập trung đầu tư vào các chương trình xã hội, khiến họ giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa an ninh quốc gia hoặc phúc lợi cho người dân. Thay đổi hướng đi sẽ không dễ dàng, nhưng họ đang đứng trước áp lực lớn từ Mỹ khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
Ralf Stegner, nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cho rằng mức ngân sách 5% GDP là "hoàn toàn điên rồ".
Trước khi ông Trump đưa ra phát biểu về mục tiêu 5%, Thủ tướng Scholz đã từ chối yêu cầu tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng mà Phó thủ tướng Robert Habeck đề xuất. "Ai sẽ người trả tiền? Chính là người dân", ông nói và đánh giá đây là "ý tưởng chưa thấu đáo".
Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập ở Đức, cho rằng mục tiêu mà ông Trump đặt ra "không thực tế" và nhấn mạnh Đức nên "làm những gì cần thiết để tự bảo vệ". Marcus Faber, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, cho biết 3% sẽ là mục tiêu thực tế hơn.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cũng khẳng định 3% GDP là "mục tiêu thực tế" mà quốc gia này có thể đạt được trong vài năm tới.
Một số nhà ngoại giao NATO thừa nhận sẽ cần đáp ứng một phần yêu cầu của ông Trump để giữ chân Mỹ trong liên minh, dù chúng phi thực tế đến mức nào. "Nếu ông Trump kêu gọi mức 5%, chúng ta phải tìm ra giải pháp phù hợp với tất cả", một nhà ngoại giao giấu tên nói với AFP.
Họ cho rằng bước đầu tiên là quan sát Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ biến những tuyên bố nào thành chính sách thực chất sau khi nhậm chức. Sau đó, các nước thành viên NATO sẽ đàm phán để cố gắng đưa ra con số đồng thuận mới tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 6.
"Họ sẽ cần nói rằng phải tiến tới mức 3,5%. Liên minh đã tự đặt mục tiêu 10 năm với mức 2% GDP. Bây giờ, chúng ta có lẽ nên thực hiện mục tiêu trong 5 năm", Camille Grand, thành viên Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho hay.
Thùy Lâm (Theo AFP, Newsweek, The Hill, Anadolu Agency)