Bấy lâu nay, trên diễn đàn, tôi vẫn thấy nhiều người bảo: Có tiền, sao không đầu tư sản xuất, mà mua đất chờ thời?
Bỏ qua khía cạnh đầu tư làm ăn, mở xưởng sản xuất không hề dễ, cần vốn lớn (có khi dăm bảy tỷ không ăn thua). Thì tôi biết một số người làm chủ cơ sở sản xuất nhỏ, tầm trung, thậm chí lớn hễ dư tiền là họ cũng đem đi mua đất. Đầu tư sản xuất bây giờ cũng khá rủi ro, tất nhiên, để trứng vào giỏ nào an toàn hơn là chọn lựa cá nhân của họ.
Nhưng thực ra, tôi thấy ôm mộng đổi đời bằng việc mua đất chờ thời, thì những người khổ sở hơn là lại chẳng phải giới làm ăn sản xuất, mà chính là giới cổ cồn trắng và dân làm việc có học vấn.
Như trường hợp bạn tôi, học hành bài bản, có học vấn, đang có ý định học lên thạc sĩ, nhưng quyết tâm làm thêm việc kiếm tiền học chứ nhất quyết không đụng đến số tiền tiết kiệm 400 triệu - là thành quả có được sau quãng thời gian đi làm.
Bạn tôi nhờ người bà con ở quê lùng sục xem có mảnh đất nào tầm đó giá tiền, nếu hơn thì vay mượn. Những câu chuyện trúng đất có ma lực. Bạn cứ thử nghĩ xem, mua một lô đất, nếu trúng cơn sốt, sang tay lời gấp đôi, gấp ba, ai mà chẳng ham?
Những người "khao khát" nhất, chính là những người có học vấn, được ăn học hơn cả. Vì sao?
Vì quá trình kiếm tiền và tích lũy của họ chậm, so với đồng lương hiện nay. Bao nhiêu năm trời mới kiếm được 400 triệu, thì mong ước nó tăng lên 600, 800 triệu thậm chí 1 tỷ lớn biết chừng nào.
Trong khi đó, với những người sản xuất, số tiền kiếm được lớn hơn nhiều, họ sợ rủi ro khi tái đầu tư nên mới trú ẩn vào đất. Nếu công ty gặp khó, họ cũng bán đi để xoay xở.
Vì thế, cần có một cơ chế và chính sách quản lý đất hợp lý. Chứ đừng chất vấn người có tiền tại sao không đầu tư sản xuất.