Nguyễn Đức, học sinh lớp 12 ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, rối bời khi đón nhận phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Dự định đăng ký xét tuyển tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) vào Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đức cho rằng việc tổ chức một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp đồng nghĩa đề thi dễ hơn, độ phân hóa thấp nên các trường top đầu khó sử dụng kết quả để tuyển sinh. Trường sẽ tổ chức thi riêng hoặc có thêm phần kiểm tra bổ sung, như thế sẽ tăng thêm áp lực cho thí sinh khi phải làm quen với dạng đề của trường.
Ngược lại, nếu trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Đức không biết liệu tổ hợp A01 có tồn tại nữa không vì bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên chỉ tính một đầu điểm, không cho điểm từng môn thành phần. "Thật sự hoang mang, em chỉ mong có sự thay đổi ở phút cuối để về với phương án ban đầu là vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với đề thi giảm tải như đề minh họa", Đức nói.
Phạm Thị Mỹ Hiền, lớp 12A2, THPT Đào Duy Anh, TP HCM, thấy bất an khi không còn kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Hiền theo khối D01 (Ngữ Văn, Toán và Tiếng Anh), dự định thi ngành Quản trị khách sạn của Đại học Tài chính - Marketing TP HCM. Tự đánh giá lực học mỗi môn trong tổ hợp chỉ 6,5 điểm, chấp chới so với điểm trúng tuyển là 19, nữ sinh lo nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT, đề dễ hơn nên mặt bằng điểm sẽ cao hơn mọi năm.
"Khi điểm các bạn đều tăng, những thí sinh lực học ngang tầm điểm trúng tuyển như em sẽ phải vất vả hơn để giành một suất vào ngành yêu thích", Hiền giải thích. Hiện Đại học Tài chính - Marketing chưa thông báo phương án tuyển sinh nên Hiền vẫn ôn thi ba môn theo tổ hợp. Nữ sinh mong trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố kế hoạch hướng dẫn cụ thể để yên tâm ôn luyện.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cùng nhiều giáo viên, học sinh bày tỏ bất ngờ trước sự thay đổi quá đột ngột. Thầy cho biết đến bây giờ, giáo viên và học sinh chỉ nghĩ đến hai phương án là thi THPT quốc gia và không thi, do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình hôm 14/4. Việc học tập và ôn luyện diễn ra bình thường vì khả năng thi cao hơn.
Với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiệu trưởng chỉ ra ba điểm bất hợp lý, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhà trường. Thứ nhất, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp được cho là giảm áp lực nhưng thực tế không giảm mà còn tăng. Nhiều đại học, đặc biệt trường top đầu, sẽ tổ chức kỳ thi riêng, học sinh phải tham gia nhiều kỳ thi. "Kỳ thi này chuyển thành thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu thấp hơn nhiều. May ra chỉ trường top dưới sử dụng kết quả hoặc các trường xét học bạ lấy thêm kết quả này làm tiêu chí", thầy Bình nói.
Thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia được đưa ra với mục tiêu giảm chi phí xã hội nhưng với việc biến thành kỳ thi tốt nghiệp thì chi phí sẽ cao hơn vì ngoài kỳ thi chung còn có rất nhiều kỳ thi riêng từ các đại học. Học sinh đáng ra chỉ phải thi một lần, hạn chế đi lại, đỡ tốn kém thì nay phải thi nhiều lần, đổ xô xuống các trường đại học ở thành phố lớn dự thi. Điều này không phù hợp trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng kinh tế nặng nề, người dân cần hạn chế đi lại.
Thứ ba, kỳ thi THPT quốc gia mọi năm vẫn đảm bảo hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, được tổ chức nghiêm túc, học sinh đạt tốt nghiệp tới gần 100%. "Giờ giao cho tỉnh thành, việc thi cử vẫn nghiêm túc, tỷ lệ đạt tốt nghiệp vẫn như vậy, thậm chí cao hơn và rồi kết quả kỳ thi không mang ý nghĩa xét tuyển đại học nhiều. Như vậy việc tổ chức kỳ thi này có hợp lý và đạt được mục tiêu?", thầy Bình đặt câu hỏi.
Thầy Bình cho rằng lý tưởng nhất là vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm, chỉ giảm yêu cầu, nội dung phù hợp thực tế học tập trong học kỳ II do ảnh hưởng của Covid-19.
Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, TP HCM, cho rằng thi tốt nghiệp THPT các trường không quá vất vả dạy học, ôn tập, nhưng học sinh sẽ thêm gánh nặng. Nhiều đại học top trên sẽ tổ chức các kỳ thi riêng, như vậy học sinh phải thi thêm để xét tuyển đại học và thêm căng thẳng.
Theo thầy Thạch, nếu chỉ dùng kết quả kỳ thi để xét tốt nghiệp thì nên mạnh dạn bỏ hẳn hoặc giao cho tỉnh, thành tổ chức. Các địa phương sẽ có phương án xét tốt nghiệp khách quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế giám sát, đại học tự chủ tuyển sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận Phan Đoàn Thái cũng chia sẻ lúng túng trước phương án thi tốt nghiệp THPT. Việc không có sự tham gia của các đại học sẽ giúp các tỉnh linh động, đưa ra quyết định nhanh chóng, nhưng trách nhiệm nặng nề hơn.
Ông Thái cho rằng nhiều khả năng các đại học không tin kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ chức thi riêng. Học sinh Bình Thuận chủ yếu thi các đại học tại TP HCM, việc di chuyển, ăn ở để tham gia kỳ thi riêng sẽ gây vất vả, tốn kém cho các em và gia đình.
Nhiều đại học đã lên phương án tuyển sinh dự phòng, sử dụng nhiều phương án tuyển sinh và vẫn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng dù kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp vẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh và căn cứ tốt để tuyển sinh. Chỉ một số ít trường có nhu cầu tuyển học sinh xuất sắc hoặc một số ngành đặc thù, cần thí sinh giỏi có thể gặp khó khăn.
Ông Thắng cho biết từ nhiều năm nay, Đại học Bách khoa cùng nhiều trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM dành 40-50% xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu kỳ thi THPT chỉ xét tốt nghiệp thì Đại học Bách khoa TP HCM sẽ giảm tỷ lệ xét tuyển, chuyển thành phương án khác.
Việc bài thi tổ hợp chỉ được chấm một đầu điểm thì tổ hợp môn tuyển sinh có thể bị ảnh hưởng, nhưng không quá lớn. Hầu hết ngành hiện nay cần thí sinh có năng lực tư duy tổng hợp, logic do đó không nên quá nặng nề tổ hợp xét tuyển.
PGS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương TP HCM, cùng quan điểm khi cho rằng kiến thức ở THPT chỉ là nền tảng giúp học sinh hiểu được các môn ở đại học, không phải dùng trong chương trình đào tạo. "Do đó, không nên thần thánh quá điểm đầu vào. Ngay cả khi vào đại học mà các em chưa đủ kiến thức ở bậc phổ thông thì vẫn có thể tự bổ sung", ông Xê nói.
Theo ông Xê, mức độ đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới chỉ nhằm đánh giá năng lực bậc THPT, không nhằm phục vụ cho xét tuyển đại học thì các trường vẫn có thể sử dụng, bởi kết quả thi là tương đối. Các đại học từng tổ chức thi tuyển nên không quá bất ngờ và khó khăn nếu thi riêng. Sắp tới, nhiều trường sẽ thi riêng hoặc liên kết lại tổ chức thi chung và dùng chung kết quả; có trường không thi riêng nhưng chấp nhận dùng điểm thi do các trường khác tổ chức....
"Sẽ xảy ra chuyện trăm hoa đua nở, nhưng không nên quá lo lắng về chất lượng đào tạo, vì đây là yếu tố sống còn của mỗi trường. Hãy để cho mỗi trường tự lo liệu sự sống còn của họ. Chất lượng cũng không nằm ở việc tuyển đầu vào mà nằm ở quá trình đào tạo và tinh thần học tập của sinh viên", ông Xê nói.
Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia. Năm học 2019-2020, học sinh mới học hết tuần 20 (trong 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Ngày14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh đến trường trước 15/6, kỳ thi vẫn được tổ chức nhưng xem xét giảm nội dung, môn thi. Ngược lại, trong trường hợp bất khả kháng, kỳ thi có thể không được tổ chức, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao về cho địa phương.
Sáng 21/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phương án thi THPT quốc gia năm 2020. Không phương án nào được lựa chọn, các đại biểu thống nhất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường chủ động.