Trọng lượng thực của những chiếc cặp học sinh đã được bàn bạc rất nhiều. Trọng lượng vô hình của chiếc cặp cũng được nói tới không ít. Với tình hình nhiều nơi học sinh phải học sáng lẫn chiều, buổi tối và cuối tuần phải "nhai" lại kiến thức đã học có thể không phải là một cách tốt nếu không muốn nói rằng có phần phản sư phạm.
Vì thử hình dung có không ít học sinh về nhà trễ, những buổi trời mưa ngập lụt lầy lội, kẹt xe hay phải tham gia môn vận động, môn trau dồi kỹ năng, rèn luyện việc nhà, giao tiếp xã hội hay tích lũy thêm kiến thức đời sống thực tế thì bài tập về nhà có phải là một cục tạ vác hoài trên lưng?
Tôi nhẩm tính, học sinh tiểu học phải làm cả nghìn phép tính toán, hơn vài trăm đoạn hay bài văn. Cấp trung học cơ sở cũng có những khối lượng bài làm tương tự, hơn một phần tư số thống kê đó đến từ bài tập về nhà.
Vì sao lượng kiến thức hóa hữu cơ, hay sinh học di truyền có thể được khái quát hóa, tóm gọn trong hơn ba giờ đồng hồ mà học sinh phải học 150 tiết với không biết bao nhiêu là bài tập đi kèm?
Ngày trước có không ít học sinh ở tỉnh đậu đại học nhờ những lò luyện thi toán cấp tốc một tháng là vì sao? Không biết có bao nhiêu kiến thức đã học mà nhiều người không dùng đến một lần trong đời?
Quỹ thời gian và khả năng tiếp thu của đa số người có giới hạn, học cái này thì phải bỏ bớt những điều khác. Bài chính khóa đã như vậy thì bài tập về nhà giúp ích được bao nhiêu cho việc học? Dù cho là nhiều người đồng ý với tác dụng tích cực của bài tập về nhà đi nữa.
Vì vấn đề không phải là chỉ có một bài tập về nhà làm trong mười phút. Không chỉ bài tập của các môn Văn, Tiếng Việt, Toán, nếu thêm Tiếng Anh, Sinh học, Vật lý... sẽ là bao nhiêu?
Vì bài tập về nhà áp dụng cho tất cả học sinh và được làm trong thời gian mệt mỏi nên học sinh giỏi có thể tốn ít hơn 10 phút, học sinh khá thì vô chừng nhưng học sinh bình thường thì tốn trên 20 phút cùng với áp lực, vật lộn với phần bài tập nâng cao. Dù bỏ làm hay cố theo đều cũng ngao ngán.
Vì nếu mục tiêu học để hiểu bài hay học để nhớ, thuộc, để thành thạo, để vận dụng, để tự phát huy thêm thì sẽ có quyết định khác nhau với bài tập về nhà.
Vì sao chương trình không thể có dành ra thêm những khoảng trống 15 phút hay trống thêm vài tiết nữa để ôn luyện lại, nâng cao kiến thức cũ, kiến thức khó, kiến thức quan trọng cốt lõi mà phải học liên chuỗi, liên tục?
Nếu giáo dục phổ thông hướng đến mục tiêu phổ cập sâu rộng nhất thì vấn đề giúp cho càng nhiều nhất số học sinh có thể theo kịp, tiếp thu tốt kiến thức chương trình có phải là mục tiêu đáng giá ? Học sớm những kiến thức hữu ích, thực tế ở bậc phổ thông có hữu dụng hơn là đợi xem người học sẽ dùng bao nhiêu kiến thức đã học vào trong cuộc sống?
Giảm tải sách giáo khoa, giảm chương trình, giảm yêu cầu bắt buộc, giảm yêu cầu đánh giá trung bình đại trà đi kèm việc thêm đánh giá tìm hiểu, tự học, tự luận, hay phát huy môn học, kiến thức thế mạnh hay sự sáng tạo, khác biệt
Đó có thể là học những chất, lối sống sinh hoạt gây hại cho hệ thần kinh, não bộ, phổi trong chương trình sinh học lớp nhỏ hay vì sao có ngộ độc thực phẩm, có giun sán. Học kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ, thay cho học quá nhiều gương tốt, hàn lâm, có thể học về cái xấu, cái sai, về bạo lực, nhận biết kỳ thị, bắt nạt học đường, thượng tôn pháp luật hay như biết bảo vệ môi trường trong tiết địa lý khí hậu, học về cây trồng, vật nuôi ở nông thôn hay ô nhiễm, dịch bệnh ở thành thị...
Học những điều này để mỗi ngày người học có thể ứng dụng, tìm tòi thích thú ngay trong cuộc sống. Hạnh phúc học đường rất khó mà cũng rất giản đơn.
Trong khi chờ đợi chương trình học được giảm lược, giảm tải, được thay đổi cho phù hợp hơn thì việc quy định không giao bài tập về nhà không phải đúng hay sai mà tôi nghĩ đây có thể là một quyết định quyết đoán phù hợp thời cuộc.
Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.