Tuyên bố đưa ra hôm 2/9, chỉ một tuần sau khi cơ quan y tế Liên Hợp Quốc chính thức xác nhận châu Phi đã sạch bóng virus bại liệt hoang dã.
WHO cho biết hai trẻ ở Sudan, một từ bang Nam Darfur, một ở bang Gedarif, gần biên giới với Ethiopia và Eritrea, mắc bệnh bại liệt. Cả hai đều được uống vaccine phòng ngừa bại liệt gần đây. Theo tổ chức, các đợt bùng phát có liên quan đến chương trình chủng ngừa tại nước Cộng hòa Chad, hiện đã lan rộng đến Cameroon.
WHO cũng đã phát hiện thêm 11 trường hợp bại liệt có nguồn gốc từ vaccine ở Sudan, tìm thấy virus trong mẫu môi trường. Dự báo còn khá nhiều bệnh nhân khác chưa được báo cáo, bởi virus có thể lan truyền khá nhanh trong nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi.
Thực tế, virus bại liệt sống trong vaccine uống có thể biến đổi thành dạng đủ khả năng lây nhiễm, làm bùng phát các đợt dịch mới. WHO xác nhận nguy cơ bại liệt lây lan rộng hơn là khá cao, chủ yếu do mật độ di chuyển của người dân trong khu vực.
Hơn 10 quốc gia châu Phi đang chống chọi với căn bệnh này, bao gồm Angola, Congo, Nigeria và Zambia.
Giữa đại dịch Covid-19, nhiều chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn bị gián đoạn, khiến hàng triệu trẻ em dễ mắc nhiều bệnh. Hồi tháng 4, WHO và các tổ chức đồng cấp đã miễn cưỡng khuyến nghị tạm dừng chương trình chủng ngừa bại liệt hàng loạt, dù nhận thấy rằng động thái này có thể dẫn tới những đợt bùng phát mới trong tương lai.
Tháng 5, WHO báo cáo 46 chiến dịch vaccine cho trẻ em tại 38 quốc gia, chủ yếu thuộc châu Phi, đã bị đình chỉ. Một số chương trình được bắt đầu lại thời gian gần đây, song các nhân viên y tế cần gấp rút tiêm chủng cho hơn 90% trẻ em trong thời gian ngắn.
Các quan chức y tế ban đầu đặt mục tiêu xóa sổ bại liệt vào năm 2000, song do bỏ lỡ thời điểm vàng, mốc thời gian liên tục bị lùi lại. Bại liệt hoang dã vẫn còn lưu hành ở Afghanistan và Pakistan. Cả hai quốc gia cũng phải vật lộn để ngăn chặn chủng bệnh có nguồn gốc từ vaccine.
Thục Linh (Theo AP)