Một ngôi biệt thự của liên doanh đang bỏ hoang. |
Năm 1991, Công ty du lịch Lâm Đồng liên doanh với Danao - một công ty lớn của nhà tỷ phú người Mỹ Lairy Hillblom có trụ sở tại Hong Kong - thành lập Dalat Resort Incorporation (DRI) với tổng vốn pháp định 40 triệu USD. Mỗi bên góp 50% vốn, thời gian hoạt động là 20 năm. Trong đó, 10 năm đầu, bên nước ngoài phải nộp lợi nhuận định mức cho phía VN 4-10% tổng doanh thu của liên doanh.
Trong trường hợp lợi nhuận dưới 4 triệu USD/năm thì bên nước ngoài vẫn phải nộp đủ 4 triệu USD cho bên VN trong thời gian 10 năm đầu. Đến năm thứ 11 trở đi, việc lỗ - lãi trong kinh doanh của DRI sẽ được giải quyết "cưa đôi" - mỗi bên chịu thiệt một nửa nếu lỗ và "được" một nửa nếu lãi.
Sau khi được cấp giấy phép (cuối năm 1991), DRI chính thức ra đời và bắt đầu hoạt động khá rầm rộ: Thắng cảnh đồi Cù Đà Lạt nhanh chóng biến thành sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế; hàng loạt các khách sạn lớn được nâng cấp, trong đó có hai khách sạn cùng một dinh thự khá nổi tiếng là Palace, Dalat và Dinh I. Hết giai đoạn 1, phía nước ngoài (Danao) công bố thua lỗ trên 25 triệu USD. Lấy lý do này, phía Danao từ chối việc làm nghĩa vụ cho phía VN và đề nghị phía VN "cưa đôi" khoản lỗ.
Cuối năm 2001 đến cuối 2002, giữa hai bên đã có những cuộc tranh cãi gay gắt bởi sự nhập nhèm về thực tế góp vốn, nghĩa vụ mỗi bên và thời hạn kinh doanh. Theo văn bản của Bộ KH&ĐT thì vốn của Danao góp vào DRI là 20 triệu USD. Thế nhưng, sau giai đoạn I, Danao khẳng định rằng, mình đã góp vào đây tới trên 35 triệu USD, trong đó có 5 chiếc máy bay làm phương tiện vận chuyển (theo thỏa thuận từ đầu, nhưng cho đến nay thì 5 chiếc máy bay này vẫn nằm trên... giấy).
Thực tế góp vốn của phía VN là 50% gồm đất đai, nhà cửa... (65 ha đất sân golf, Dinh I, khách sạn Palace, khách sạn Dalat, 16 biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo cùng toàn bộ trang thiết bị kèm theo), thế nhưng bên nước ngoài chỉ công nhận tài sản trên có giá trị khoảng 6,7 triệu USD, trong đó có diện tích của 3 khu vực thuộc sân golf đã được bàn giao ngay từ đầu nhưng lại được ghi là 0 m2.
Sau 10 năm hoạt động, chi phí khấu hao cơ bản mà Danao đưa ra khoảng 17,3 triệu USD và đề nghị chuyển khoản này sang vốn pháp định của giai đoạn II (có nghĩa là buộc phía VN phải gánh chịu 50%). Còn về nghĩa vụ đối với phía VN (400.000 USD/năm), Danao đưa ra rất nhiều lý do, trong đó có lý do làm ăn thua lỗ nên không thể thực hiện được.
Trong khi đó, phía Danao lại đề nghị kéo dài thời gian liên doanh lên 40 năm (giấy phép đầu tư 20 năm), tăng vốn pháp định lên 60 triệu USD hoặc chuyển thành 100% vốn nước ngoài.
(Theo Lao Động)