Tại New Zealand, Cheryl Simpson dự định tổ chức sinh nhật lần thứ 60 cùng bạn bè bằng một bữa trưa thân mật. Song kế hoạch của bà đột ngột thay đổi. Ngày sinh nhật, bà quanh quẩn trong 4 bức tường tại thành phố Auckland.
Chỉ phát hiện một ca mắc Covid-19 cộng đồng, New Zealand quyết định giãn cách nghiêm ngặt toàn đất nước. Một số người coi đây là biện pháp hà khắc, song dân số nói chung ủng hộ các chính sách trên, bởi chúng từng rất hiệu quả trong quá khứ.
Simpson đóng cửa tiệm thú cưng nhằm tuân thủ quy định phòng ngừa. Bà nói: "Tôi rất sẵn lòng cách ly, dù không thích điều này". Bà muốn đất nước sớm dập được đợt bùng phát mới nhất.
Cũng trong khu vực Thái Bình Dương, Nhật Bản không thực hiện những quy định chặt chẽ như vậy. Thay vào đó, chính phủ tập trung tăng tốc tiêm chủng đại trà.
Australia đứng giữa lằn ranh của hai chiến lược dập dịch, cố gắng thực hiện mục tiêu kép: giảm ca nhiễm và tăng tốc vaccine.
Cả ba quốc gia vượt qua năm đầu Covid-19 tương đối thành công. Hiện các chính phủ rẽ ba hướng riêng biệt khi đối phó với biến thể Delta dễ lây lan. Giáo sư Michael Baker, chuyên gia dịch tễ Đại học Otago, New Zealand, cho biết thế giới đang vật lộn để thích ứng với mối đe dọa mới.
"Với biến thể Delta, các quy tắc cũ không còn hiệu quả", ông nói.
Việc đánh giá điểm khác biệt giữa các chiến lược và hiệu quả của chúng đối với biến thể Delta sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế của cả ba quốc gia.
Gần hai năm đại dịch, Nhật Bản chưa từng áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Trước khi biến thể Delta xuất hiện, đất nước vượt qua các đợt bùng phát do người dân có thói quen đeo khẩu trang từ lâu, nhằm ngăn ngừa dị ứng hoặc cảm lạnh.
Hiện hầu hết người dùng phương tiện công cộng đều đeo khẩu trang khi đi làm. Song vào ban đêm, người Nhật có xu hướng đến nhà hàng, quán bar. Điều này cho phép biến thể lan rộng. Việc đăng cai tổ chức Olympic Tokyo khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Các quy định nghiêm ngặt trong Thế vận hội giúp hạn chế chùm lây nhiễm. Song tiến sĩ Shigeru Omi, cố vấn y tế chính phủ, cho rằng sự kiện tạo không khí lễ hội, khiến người dân buông lỏng cảnh giác.
Số ca mắc mới theo ngày ở Nhật Bản tăng vọt lên 25.000 trong tháng này, gấp ba lần so với mức cao nhất trước đó. Ông Omi coi đây là thảm họa.
Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 20/8 mở rộng và gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các khu vực khác cho đến giữa tháng 9. Dù vậy, hầu hết hạn chế không có hiệu lực pháp lý.
Các thống đốc hối thúc ông Suga xem xét ban hành biện pháp cứng rắn hơn. Song thủ tướng Nhật cho rằng vaccine "là con đường nên đi theo".
Số người tiêm chủng hàng ngày tại nước này tăng gấp 10 lần từ tháng 5 đến tháng 6, khi hàng nghìn doanh nghiệp và trường đại học tổ chức tiêm vaccine. Song sự khởi đầu chậm chạp khiến quốc gia phải chật vật để đuổi kịp phần còn lại của thế giới. Đến nay, khoảng 40% dân số Nhật Bản được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Australia, giới chức ghi nhận đợt bùng phát ở Sydney vào tháng 6. Nguồn lây là một tài xế chưa tiêm chủng nhiễm nCoV lái xe cho phi hành đoàn từ Mỹ đến thành phố này. Sau khoảng 10 ngày do dự, các bang áp dụng biện pháp phong tỏa, hiện đã kéo dài hai tháng.
Đầu dịch, chính quyền Australia chỉ phong tỏa toàn quốc một đợt. Giờ đây, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, đất nước theo đuổi chiến lược "áp chế mạnh mẽ", bao gồm kiểm soát chặt chẽ người rời khỏi đất nước và khách nước ngoài nhập cảnh. Song về cơ bản, chính phủ vẫn tập trung tiêm vaccine.
Từ vài ca nhiễm mới mỗi tuần, Sydney hiện ghi nhận hơn 800 bệnh nhân Covid-19 theo ngày.
"Không thể loại bỏ hoàn toàn (virus), chúng ta phải học cách sống chung với nó", Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, cho biết.
"Đó là lý do vì sao chúng tôi áp dụng chiến lược kép", ông nói. "Giảm số ca nhiễm, tăng tỷ lệ tiêm chủng. Chúng ta cần đạt được cả hai mục tiêu này để có thể tự do trong tương lai".
Dịch bệnh tại Sydney cũng tràn sang Canberra, khiến thủ đô phải phong tỏa. "Tôi không biết nước nào có thể thực sự đánh bại Delta. Tôi nghĩ chúng ta cần tăng tỷ lệ tiêm chủng và từ tử mở cửa trở lại vào thời điểm an toàn", Matina Carbone, nhân viên chính phủ, cho biết.
Tuy nhiên, Australia thua xa Nhật Bản trong chương trình vaccine. Hiện chỉ 23% dân số nước này được tiêm đủ hai liều.
Năm ngoái, ngay sau khi Covid-19 bùng phát, New Zealand áp lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới với những người không cư trú. Chiến lược này đẩy lùi hoàn toàn virus. Đất nước 5 triệu dân đã đánh bại từng đợt bùng phát nhỏ, đến nay chỉ ghi nhận 26 trường hợp tử vong.
6 tháng trôi qua với không ca mắc cộng đồng, người dân tiếp tục cuộc sống bình thường. Song trong tháng 8, cụm dịch ở Sydney lan sang New Zealand, thông qua một người dân đi du lịch.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern lập tức áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt nhất. Đến 22/8, số ca nhiễm cộng đồng của nước này tăng lên 72. Virus xâm nhập thủ đô Wellington. Giới chức chạy đua để truy vết 10.000 người.
Bà Ardern kiên định với kế hoạch của mình.
"Chúng tôi từng trải qua điều này trước đây. Chúng tôi biết chiến lược hiệu quả. Đất nước từng làm thử và thành công. Chúng ta chỉ cần kiên định", bà nói.
Giáo sư Michael Baker tin rằng New Zealand vẫn đủ sức quét sạch virus lần nữa bằng phương pháp "đốt than hồng", tức là quyết liệt dập dịch ngay từ những ca nhiễm đầu tiên.
Tuy vậy, nước này không có nhiều kế hoạch dự phòng. Báo cáo gần đây của chuyên gia chính phủ cho thấy New Zealand có tương đối ít giường hồi sức tích cực. Chỉ một đợt bùng phát, hệ thống y tế dễ dàng bị áp đảo.
Đây cũng là quốc gia có tốc độ tiêm chủng chậm nhất trong ba nước. Đến nay, chỉ 20% dân số đã nhận đủ hai liều vaccine.
Thục Linh (Theo AP)