Một hôm tôi đi ăn ở một nhà hàng cùng khách. Bữa ăn ngon, câu chuyện rôm rả cho đến khi tính tiền. Tôi tự tin vào thời đại số ngày nay, khi mà cô bán chè đầu ngõ còn có mã QR thanh toán, nên tôi không mang theo tiền mặt.
Nhiều nhà hàng bây giờ ngoài máy POS quẹt thẻ, họ còn có mã QR in trên bill. Chắc có lẽ vấn đề nằm ở tôi, không mang thẻ vật lý, ứng dụng ngân hàng đột nhiên dở chứng.
Loay hoay mãi không đăng nhập được, tôi bắt đầu cảm thấy xấu hổ trước ánh mắt em nhân viên đứng chờ. Khách của tôi, mỉm cười bảo: "Thôi, chị có tiền mặt, để chị thanh toán cho". Để không phải chờ thêm, tôi bảo chị bữa này là em mời, em sẽ chuyển khoản lại khi app hết lỗi.
Sau lần ấy, tôi rút kinh nghiệm, luôn mang tiền mặt và thẻ vật lý bên mình, dù đã tích hợp đủ thứ vào điện thoại.
Nhưng điều khiến tôi băn khoăn hơn là sự chuẩn bị của chính chúng ta cho chuyển đổi số. Các doanh nghiệp, cửa hàng đua nhau làm app, tích hợp công nghệ. Nhưng chất lượng thì sao?
Một siêu thị nơi tôi hay mua hàng có app trên các chợ ứng dụng, nhưng bị vote một sao đầy rẫy, kèm theo những bình luận "tại sao không thuê một team IT làm app tử tế?". Để tích điểm, khách hàng phải đăng ký bằng cách nhắn thông tin cá nhân qua ứng dụng nhắn tin với trưởng cửa hàng.
Tôi bảo "thôi để suy nghĩ lại", vì một siêu thị khác chỉ cần tải app, đăng ký bằng số điện thoại là xong.
Một người bạn của tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp, từng hào hứng ra mắt app riêng, vận động nhân viên và người nhà tải về. Nhưng chỉ sau vài tháng, ứng dụng dần bị lãng quên. Thông tin cũ kỹ, tính năng chậm chạp, chẳng mấy ai sử dụng. Những app như vậy, liệu có khác gì một cuộc đua nửa vời, làm cho có?
Phàm thứ gì con người tạo ra thì đều có lỗi, trục trặc. Nhưng lỗi liên miên, lặp đi lặp lại, hoặc làm theo kiểu đem con bỏ chợ thì doanh nghiệp có thể đòi khách hàng thông cảm không?
Chuyển đổi số không chỉ là chuyện ra mắt app, tích hợp mã QR hay thêm một công cụ thanh toán. Đó là bài toán dài hạn về chất lượng, tính tiện ích và sự ổn định, vì khách hàng có thể quên 1.000 lượt quét mã QR và thanh toán thành công, nhưng họ sẽ rất chán nản, tức giận vì một lần thanh toán thất bại.
Nếu doanh nghiệp và cửa hàng không chú trọng cho "sản phẩm số" mà họ ra mắt, thì không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn làm mất niềm tin của khách hàng. Ai sẽ muốn sử dụng một ứng dụng chậm chạp, rối rắm, lỗi liên miên?