Tôi có theo dõi câu chuyện một người dùng mạng xã hội Threads đã chia sẻ câu chuyện đi ăn khuya cùng bố và anh trai tại một quán bún riêu ở Hà Nội, đêm mùng một Tết (29/1). Không hỏi giá trước, đến khi tính tiền, họ giật mình khi được báo giá 1,2 triệu đồng cho ba tô bún riêu.
Sau khi đưa bằng chứng chuyển khoản, chủ quán mới xin lỗi và hỏi thông tin để hoàn tiền thừa. Hôm qua, cơ quan chức năng Hà Nội đã có quyết định tạm dừng kinh doanh của quán ăn này.
Theo lời giải thích, chủ quán cho rằng mình có thói quen "nói đùa", chuyển 40 nghìn đồng thành 400 nghìn đồng.
Tôi cũng đã từng gặp một vài trường hợp tương tự. Có lần, sau khi ăn xong tô bún bò, chủ quán bảo giá là 5 triệu đồng, khiến tôi sững người, nhưng sau 3 giây, nhận ra giá thực là chỉ 50 nghìn đồng. Lần khác, khi ghé dọc đường mua nước mía, chị chủ quán bảo giá 1 triệu hai, tôi liền đưa "2 triệu" rồi chị thối lại "800" (đưa 20 nghìn, thối lại 8 nghìn).
Những câu chuyện hài hước này có thể khiến người nghe cảm thấy vui vẻ, nhưng cũng là bài học nhớ đời, nhất là vào dịp Tết - thời điểm mà giá cả luôn rất nhạy cảm.
Thứ nhất, giá cả dịp Tết rất "nhạy cảm". Một câu nói đùa không đúng chỗ, không đúng lúc có thể khiến khách hàng hiểu lầm, mất niềm tin và gây ra những hậu quả không mong muốn.
Thứ hai, đùa không đúng người - đặc biệt là khách lạ. Khi chủ quán "nói đùa" với khách quen, có thể người đó sẽ hiểu ý định, nhưng với khách lạ, nhất là trong dịp Tết, họ dễ hiểu nhầm thành việc bị "chặt chém". Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của quán mà còn tạo ra làn sóng phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Thứ ba, giá cả "điên rồ" có thể gây bất ngờ, vui vẻ nhưng nếu khách hàng nghĩ đó là thật, hậu quả có thể nghiêm trọng. Như bà chị chủ quán bún bò và chủ xe nước mía đùa với tôi, chị tăng hẳn mức giá lên "triệu".
Nghe qua hơi giật mình nhưng chỉ vài giây sau là nhận ra đó là đùa, vì nó quá vô lý, người làm ăn bình thường không ai làm thật như vậy. Còn bún riêu 40 nghìn đồng lên 400 nghìn đồng, từ nghìn sang đồng, nhiều người vẫn sẽ tưởng thật.
Qua những tình huống trên, chúng ta rút ra bài học rằng: Dù là "nói đùa" hay "chơi khăm" trong kinh doanh cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết khi mọi người đều mong muốn sự an tâm, niềm vui và sự chân thành.
Giá cả, một vấn đề vốn đã nhạy cảm càng cần được xử lý một cách khéo léo và minh bạch để giữ vững lòng tin của khách hàng cũng như duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thanh Liêm