Hiện nay trong thời đại công nghệ, mọi sự phát triển vượt bậc từ nền dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp... từ đó các sản phẩm được tạo ra ngày càng nhiều và đa dạng để đáp ứng nhu cầu cho con người. Trong khuôn khổ nền kinh tế phát triển ấy, tư duy nhận thức con người cũng thay đổi tốt hơn, nhưng áp lực về thành công, danh vọng, tiền bạc, mức sống ngày càng cao hơn nữa đè nặng lên vai rất nhiều người. Cũng như các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ùn tắc tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm... ngày càng một gia tăng ở nước ta trong hai thập kỷ gần đây mà mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm và đối mặt.
Trước hiện trạng xã hội, có rất nhiều ý kiến khác nhau ví như: chúng ta muốn nền công nghiệp phát triển, đô thị hóa thì phải đánh đổi một phần môi trường, ý thức của một bộ phận công dân về rác thải còn thấp, các nhà máy công nghiệp chưa thật sự xử lý chất thải triệt để trước khi thải ra môi trường... Tai nạn giao thông là do một số thành phần tham gia giao thông thiếu ý thức, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, lưu lượng xe cộ quá nhiều... hoặc tội phạm, tệ nạn xã hội sảy ra ngày càng nhiều và tinh vi có thể là chế tài, pháp luật của cơ quan thực thi chưa đủ răn đe, giáo dục chưa đảm bảo, công dân thất nghiệp, thiếu việc làm... Và rất nhiều vấn đề khác nữa nhưng tôi chỉ nói 3 ý cơ bản.
Nhưng sự thật những lý do như vậy là chưa đủ, lý do cơ bản nhất là thuộc về chính con người. Khi ý thức, nhân cách, đạo đức của con người không được giáo dục đầy đủ, cơ quan quản lý lỏng lẻo chưa đảm bảo, công dân thì không chấp hành, vi phạm. Tự kiểm nghiệm ý thức chính mình, nhìn nhận xung quanh mọi người hành động, lời nói, làm việc ra sao ắt thấy rõ ràng.
Môi trường được hiểu như một không gian sống bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sự tồn tại và phát triển của chúng ta và thế hệ tương lai sau này. Tầm quan trọng nâng cao ý thức giáo dục về môi trường cho mỗi người là cực kỳ quan trọng cấp thiết, ấy vậy mà theo tôi tìm hiểu thì thật sự chưa cơ quan nào phản ánh thống kê đầy đủ sự ảnh hưởng ô nhiễm và giáo dục ý thức cho công dân về bảo vệ môi trường một cách đầy đủ và bài bản.
Theo thống kê tai nạn giao thông nước ta từ trong 10 năm gần (2008 -2018) thì số lượng người chết vì tại nạn giao thông luôn ở mức hơn 8000 người/ năm chưa kể đến số người bị thương, có nghĩa là trên cả nước mỗi ngày có hơn 22 người chết vì tai nạn giao thông. Mặc dù là số vụ tai nạn, người chết đã thuyên giảm trong vài năm trở lại đây vì nhờ pháp luật và ý thức con người ta cao hơn nhưng với số lượng như vậy thật sự đáng báo động.
Ý thức, đạo đức một số người đi xuống trầm trọng thì họ chẳng sợ và nề hà gì pháp luật cả, sẵn sàng giết người, gây án chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt: tiền bạc, miếng ăn, vài mét đất, cái nhìn xoáy, lời nói động...bằng các hành động mang rợ, coi thường mạng sống người khác, mất tính người, quên tình thân. Tội phạm về buôn bán chất cấm, trộm cướp ngày càng nhiều, tinh vi và trắng trợn sẵn sàng chống trả khi bị bắt.
Để giải quyết các vấn đề trên một cách dần dần và triệt để, thì không hẳn là không có cách, cái khó là cần mọi người chúng ta đồng lòng đưa vào hệ thống giáo dục từ đạo đức đến ý thức và tự giác, từ nhỏ đến lớn. Theo tôi đề xuất là đưa môn học ‘’Nhân Cách Đạo Đức’’ vào hệ thống giáo dục nước ta là điều rất cần thiết lúc này.
Đứa trẻ (2 -10 tuổi) lứa tuổi tốt nhất để dạy nhân cách: hướng dẫn lễ nghĩa một cách cơ bản, cách ăn, cách nói, biết đúng sai, vệ sinh cá nhân, biết nhận lỗi, biết cảm ơn biết giúp đỡ người khác, lòng trung thực để hình thành nhân cách tốt cho đứa trẻ
Thanh thiếu niên (10-15 tuổi) con người trong lứa tuổi mới lớn, dậy thì này rất hay tò mò về mọi thứ và phản kháng về những lời khuyên, lời chê. Nên chúng ta vẫn tiếp tục giáo dục nhân cách cơ bản tối ưu hơn: ý thức tham gia giao thông, tính khiêm nhường, đặc biệt là giáo dục về giới tính và sinh lý đầy đủ, và tác hại chất kích thích, gây nghiện bằng các hoạt động ngoại khóa, thực tiễn...
Thanh niên (15-18 tuổi): Tiếp tục giáo dục nhân cách tầm cao hơn về ý thức các sự việc trong đời sống: ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ lẽ phải, lòng dũng cảm, trung thực, tự tin. Giáo dục định hướng nghề nghiệp tùy theo sở thích và năng khiếu của mỗi người, tạo động lực tự học biết cách lo cho bản thân,.. trước khi qua công dân 18 tuổi
Công dân (18-25 tuổi): Lứa tuổi này con người cơ bản đã ý thức rõ ràng nên giáo dục về hôn nhân, gia đình, đạo đức nghề nghiệp, ý chí nghị lực...
Công dân sau tuổi 25: Tự học thêm những điều họ muốn hướng đến để hoàn thiện tốt hơn cho mình và người khác.
Như vậy khi con người đã có nền tảng đạo đức tốt, ý thức và tinh thần tự giác cao thì ắt mọi tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường giảm nhanh, pháp luật con người không còn quan tâm đến nữa vì ai cũng làm đúng luật và tôn trọng pháp luật.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.