Cách đây vài năm, khi con trai tôi lên 5 và con gái lên 3, hành vi của chúng thay đổi đáng kể xung quanh việc nhận quà. Những tiếng "Dank-you" (Cảm ơn) ngọt ngào từ một đứa trẻ mới biết đi biến thành trận cuồng phong khi chúng không nhận được món quà theo ý muốn.
Tôi kinh hoàng nhìn các con ném bộ đồ ngủ đáng yêu và những bộ đồ ấm cúng sang một bên rồi nói "Ôi trời. Quần áo! Chán quá", hay khi chúng khui ra một món đồ chơi rồi tuyên bố ghét món đồ đó.
Với bằng thạc sĩ về tâm lý học trẻ em và vị thành niên, tôi đủ hiểu để yên tâm những gì chúng thể hiện là phù hợp với sự phát triển và không có ý thô lỗ. Là người tặng quà, tôi cũng biết việc để một đứa trẻ miễn cưỡng nói lời cảm ơn theo lệnh của mẹ cũng không thực sự hữu ích. Không có gì tệ hơn việc bạn thích chọn một thứ mà bạn nghĩ đứa trẻ sẽ yêu thích rồi thứ đó chỉ khiến chúng thất vọng.
Tôi vắt óc suy nghĩ cách để giải thích việc tặng quà cho con. Tôi bắt đầu giảng giải bằng câu nói đại khái là "Khi nhận được một món quà, con cần thể hiện sự trân trọng và nói lời cảm ơn, ngay cả khi không thích món quà đó".
Con trai tôi nghe thấy, hỏi lại "Tại sao vậy". Tôi trả lời chậm rãi "A gift is a thought" (Mỗi món quà là một suy nghĩ). Đứa trẻ 5 tuổi nghĩ một hồi rồi hiểu ra ngay. Còn cô con gái cần thêm một lời giải thích. Tôi tiếp tục nói "Bất cứ khi nào ai đó tặng quà cho con, nó đồng nghĩa với việc họ đang nghĩ về con. Những gì họ dành cho con là những ý nghĩ yêu thương con".
Cô con gái nghiêng đầu sang một bên để thể hiện đang cân nhắc điều này. Tôi biết mình chỉ cần một vài phút nữa để đạt được mong muốn nên tiếp tục giải thích. "Đó là lý do không quan trọng việc ai đó tặng con một món quà lớn hay nhỏ, tự làm hay đi mua, thậm chí là món quà con không thích. Món quà đó thực sự là cách để thể hiện họ đang nghĩ về con và điều đó thật tuyệt vời và con cần nói cảm ơn về điều đó", tôi nói.
Ngoài việc dạy trẻ biết nói "Cảm ơn vì sự chu đáo với con", lời giải thích của tôi còn khiến cậu con trai lớn bắt đầu để ý đến những tấm thiệp. Con nhìn mọi món quà như một sự mở rộng của tình yêu thương. Nó khiến con ngập tràn niềm vui vì cảm thấy rất nhiều người đang nghĩ đến mình.
Còn cô con gái, vốn ít nhạy cảm và thích được tặng quà hơn, đột nhiên đặt tất cả quà tặng ở một vị thế bình đẳng. Con không còn chăm chút, dành mọi sự chú ý cho món quà lớn nhất dưới gốc cây thông dịp Noel, không còn phàn nàn khi món quà đó đến tay người anh họ.
Tuy vậy, đôi lúc các con vẫn thốt lên câu "Ôi trời" thể hiện sự không hài lòng. Những lúc đó, tôi chỉ phải nói những điều như "Chà, bà đã thực sự nghĩ về các con" và chúng sẽ suy nghĩ lại ngay.
Năm chữ "A gift is a thought" đã thực sự giúp tôi dạy con nhiều bài học đáng quý.
Dương Tâm (Theo Popsugar)