Mùa hè năm ngoái khi con gái lớn của tôi chuẩn bị vào lớp một, tôi bắt đầu tìm hiểu về việc dạy chữ cái cho con. Trước đó khi con học mẫu giáo vợ chồng tôi chỉ chú trọng rèn luyện sức khỏe, làm việc nhà và chơi cùng con mỗi khi con rảnh. Hầu như không nghĩ đến việc sẽ phải dạy con chữ và số trước khi bé vào tiểu học.
Tôi lên mạng tìm hiểu các thông tin, và nhận ra việc dạy con nếu để đến mẫu giáo thì quá muộn chứ đừng nói con tôi đã kết thúc mẫu giáo rồi. Theo đa số những gì tôi đọc được trẻ con cần được đọc sách từ lúc lọt lòng, học ngoại ngữ khi vừa biết nói, học toán và các loại hình học, màu sắc càng sớm càng tốt vì giai đoạn từ một đến 3 tuổi là giai đoạn vàng, giai đoạn từ 4 đến 6 tuổi là giai đoạn bạc, sau 6 tuổi sự phát triển của não bộ gần như là một trăm phần trăm.
Không những vậy khi người mẹ mang thai là phải thai giáo càng sớm càng tốt. Những phân tích logic của các nhà khoa học về giáo dục sớm khiến tôi hụt hơi thật sự.
Thời điểm đó con gái tôi chỉ biết vài ba chữ cái nhờ việc học mẫu giáo, số thì biết từ số 0 đến số 9, con có biết một ít phép cộng và trừ dưới 10 và phải sử dụng ngón tay để tính. Tiếng Anh còn chưa biết đọc từ mới nào, con chỉ hát được bài Happy Birthday và Baby Shark.
Chồng tôi đã trách tôi là một người mẹ thiếu hiểu biết, chỉ rèn con đạp xe, dậy sớm đi biển, đưa con leo núi đi rừng, mò cua bắt ốc, suốt ngày bắt con làm việc nhà mà vô lo đến chuyện học tập của con. Tôi chẳng biết phải nói sao với chồng mình vì quả thật lúc ấy tôi như một bà mẹ quá chậm tiến và mù cập nhật thông tin.
Đỉnh điểm là câu nói chua cay mặn chát hội tụ của chồng dành cho tôi: Kiểu này em đang tập cho con lớn lên đi làm ôsin mà thôi!". Ngay phút đó tôi thấy thế giới đen sầm lại, tôi cũng không đủ sức tranh cãi với chồng về những khiếm khuyết mà người làm mẹ như tôi gây ra.
Nhưng rồi ngay sáng hôm sau tôi tự trấn an tinh thần mình lại, bởi tôi từng được nghe mẹ tôi kể rằng, ngày xưa tôi cũng bắt đầu học chữ từ khi lên bảy. Thời đó tôi vào lớp một muộn hơn các bạn cùng trang lứa vì tôi rất còi và còn nói ngọng nữa. Vậy mà giờ đây tôi không những đọc thông viết thạo, còn đỗ đại học uy tín, ra trường có việc làm ngay.
Tôi làm việc rất hứng thú nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở cơ quan. Hít một hơi thật sâu, tôi tĩnh tâm suy ngẫm, lấy lại tự tin và bắt đầu cùng con tập đọc những con chữ đầu tiên. Ì ạch cả tháng trời con cũng nhớ được hết hai chín chữ cái, và đó là hành trang con có khi bước vào lớp một.
Ở lớp con hầu hết các bạn khi đi học lớp một thì đã đọc thông viết thạo, các trò nhỏ đến lớp chỉ để luyện tập chứ không phải đến để học điều gì mới lạ cả. Còn con tôi vì chưa biết vần, biết từ, biết câu nên con rất thích đi học và luôn dậy sớm để chuẩn bị sách vở cho ngày mới.
Cuối năm lớp một con được cô nhận xét là đọc thông viết thạo và tính toán tốt. Vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm. Từ độ ấy tôi thường xuyên lên mạng hơn, tiếp cận các thông tin để có cánh dạy con khoa học hơn.
Và một lần nữa tôi nghi ngờ mình lại vấp lỗi. Rất nhiều bài viết, hội nuôi dạy con, rất nhiều chuyên gia mang mác chuyên gia tâm lý, chuyên gia dạy trẻ, chuyên gia rèn thói quen tốt cho trẻ cho rằng: "Trẻ con sử dụng smartphone, tivi lợi không thấy đâu mà hại thì vô phương cứu chữa!" hoặc như: "Trẻ dưới 12 tuổi không được sử dụng smartphone, không nên xem tivi".
Điều này tôi ngẫm thấy nửa đúng nửa chưa đúng. Bởi bản thân tôi là một người sinh ra ở giữa thập niên tám mươi của thế kỷ trước nên tôi thấy rõ việc xem tivi đã nuôi dưỡng tâm hồn của mình như thế nào. Những thước phim đen trắng được xem khi tôi còn là đứa trẻ giờ vẫn nguyên giá trị.
Tôi chọn cách từ khi con hai tuổi con bắt đầu được xem phim nhưng phim gì là do tôi chọn. Mỗi ngày vào một khung giờ cố định con đều được xem phim. Đó là những bộ phim hoạt hình có tính giải trí như Tom và Jerry, Hãy đợi đấy, Pingu hoặc các bộ phim có tính giáo dục như Nemo, Thế giới của Godi, Đường về nhà của cún con ...
Khi con lớn hơn một chút con được xem các bộ phim có tính giáo dục hơn như Mẹ vắng nhà, Em bé Hà Nội hoặc các bộ phim nước ngoài như Cuộc phiêu lưu của chú bé Pink, Ở nhà một mình, Cô gái đại dương , Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.
Ngoài phim ảnh, những chương trình giải trí trên ti vi như Biệt tài tí hon, Sinh tồn, động vật hoang dã tôi đều cho con xem, nếu như hôm đó con không muốn xem phim. Tôi nghĩ đó là một hướng giáo dục đúng đắn và không có gì đáng lo cả.
Việc dùng smartphone cũng vậy, tôi nhận thấy rất cần thiết chứ không phải là điều xấu xa mà như các chuyên gia yêu cầu trẻ trên 12 tuổi mới được dùng tới. Vợ chồng tôi đều rất kém tiếng Anh nên chúng tôi lựa chọn việc học tiếng Anh qua điện thoại và máy tính bảng cho con mình.
Không chỉ có việc học tiếng Anh, con có thể tìm hiểu rất nhiều vẫn đề chúng tôi không thể trả lời được con thì con sẽ cần tra Google để tìm ra câu trả lời cho bản thân.
Con tôi thích chế tạo từ nhỏ, thế nên từ 2 tuổi tôi đã cho con dùng smartphone để con xem và làm theo một số thứ như các mô hình ôtô, tàu thủy, máy bay. Sau này khi không có máy con vẫn tự chế tạo được.
Để đơn giản hơn cho con chúng tôi chọn Google giọng nói để con sử dụng vì con chưa biết chữ. Và tôi thấy rõ vai trò to lớn của smartphone đem lại cho con mà sách không thể giải quyết được khâu này.
Tất nhiên tôi luôn xem và việc tạo thói quen yêu sách là lựa chọn hàng đầu trong quá trình dạy con của tôi đường dài. Nhưng không phải khi nào cũng sách và không phải sách là chúa để giải quyết được mọi vấn đề. Điều quan trọng nhất là bạn cho con sử dụng tivi và smart phone như thế nào?
Trẻ con thời đại 4.0 mà không biết đến những thiết bị công nghệ thì làm sao có thể gọi là giỏi được. Tôi thiết nghĩ rằng trước khi các bậc phụ huynh cấm con điều này điều nọ chúng ta nên đặt mình vào vị trí của các con hoặc ít nhất cũng nhớ lại tuổi thơ mình trước đó như thế nào.
Chẳng phải hồi bé chúng ta sung sướng mỗi khi đi học về được xem một tập phim hoạt hình "Thủy thủ mặt trăng" đó hay sao? Hoặc chúng ta chờ đến 18h45 chỉ để xem 15 phút chương trình "Bông hoa nhỏ" cơ mà. Vậy sao chúng ta lại không muốn cho con mình xem một số chương trình mà các con yêu thích.
Việc học trên smartphone hay máy tính bảng cũng vậy. Rất nhiều chương trình học tập online và cả ofline rất hữu ích, giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian đưa đón con, kinh phí lại rẻ hơn rất nhiều so với học trực tiếp, khả năng luyện tập, áp dụng cũng được chú ý.
Vậy nên các cha mẹ thông thái nên nhìn vào khía cạnh tích cực này để thoát khỏi những lo sợ vô ích do các thiết bị công nghệ tạo ra, hãy xem chúng là những người bạn hữu ích, thiện chí. Là một người mẹ có con nhỏ trong giai đoạn hiện nay, quả thật việc nuôi dạy con trở thành một thách thức lớn.
Khi các thông tin qua mạng internet ngày càng nhiều, nguồn gốc và mục đích của thông tin đôi khi quá nhiễu loạn. Nếu không biết lựa chọn phương pháp nuôi dạy con phù hợp sẽ mang lại những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến suy nghĩ và cuộc sống của con sau này. Thế nên nhiều trẻ học tiểu học rất giỏỉ, THCS đạt khá và lên đến THPT thì chỉ còn ở mức trung bình.Sau đó, nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường lao động chân tay nơi xứ người và gọi đó là mơ ước.
Cứ ngỡ rằng cuộc sống số hóa, các bậc phụ huynh tiếp xúc nhiều với thông tin sẽ tiến bộ hơn, có nhiều lựa chọn hơn, biết so sánh và lựa chọn một cách thông minh hơn. Nhưng không, đa số người dân đang sống và tin vào quảng cáo hơn là giá trị chân thực.
Chính vì thế tôi mong ước rằng trước khi để trẻ con được học thì phụ huynh chính là những người phải đi học đầu tiên, học cách dạy con sao cho đúng đắn. Có thế mới mong giáo dục Việt tiến bộ theo đúng nghĩa của nó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.