- Ê cơm thừa đó đừng có đổ đi.
- Không đổ đi thì để làm gì?
- Phòng mình đâu có nuôi chó hay mèo, để ngày mai nó cũng thiu và cũng phải đổ đi thôi
- Thì để đó tao ăn cố cho hết chứ đổ đi uổng lắm.
Vừa nói, tôi lại vừa ngồi xuống ăn cố cho hết chỗ cơm trong nồi cùng ít đồ ăn thừa còn lại trong dĩa. Nhỏ bạn cùng nhìn tôi ngao ngán chép miệng: "Tao sợ mày luôn, miệng thì lúc nào cũng ăn kiêng giảm béo. Vậy mà cứ hễ có đồ ăn dư là ăn cố để khỏi phải đem đi đổ. Đến lúc lại cứ than sao tao lại béo quá thế này".
Tôi ngồi ăn, nghe con bạn nói chỉ mỉm cười và nhớ lại bài học mà ba tôi đã dạy cho tôi khi còn thơ ấu.
Tôi sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Quê hương tôi không có biển rộng mênh mông ngày đêm sóng vỗ rì rào, hát những khúc tình ca ngọt ngào. Quê hương tôi cũng chẳng có những dãy núi trùng điệp, uy nghi, hùng vỹ… Nhưng với tôi, quê hương tôi vô cùng đặc biệt bởi nơi đó có ba mẹ, có những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm và có những bài học vô cùng quý giá đã đi theo tôi suốt cuộc đời.
Nhà tôi như một ốc đảo nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông, ba mẹ tôi là những người nông dân chất phác, thật thà lại rất hóm hỉnh. Ngày nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm, mỗi bữa cơm chỉ là canh cua hay ốc, cá bắt được từ đồng ruộng đem về. Tuy vậy, tôi lại là đứa rất là kén ăn, thường hay bỏ mứa cơm sau mỗi bữa ăn, thậm chí là hay lấy cớ đồ ăn thế này thế kia để bỏ cơm lại. Ba mẹ tôi hẳn vì điều này mà rất phiền lòng, mẹ tôi thường nhìn tôi thở dài ngao ngán mỗi khi thấy tôi đem cơm đi đổ, ba thì rầu rĩ nhìn tôi lắc đầu.
Một ngày đầu hè năm tôi học lớp 3, ba kêu tôi dạy rất sớm để theo ba ra đồng phụ ba cấy lúa. Tôi rất hào hứng với công việc mà ba nói, nghe rất dễ, chỉ lấy cây mạ non, cắm xuống ruộng theo hàng theo lối là được. Ban đầu tôi làm việc rất sung, cấy mạ liên tục, nhìn cứ như là người lành nghề vậy… một lát sau, ba gọi tôi quay lại phía sau, thật không thể tin vào mắt tôi, những cây mạ tôi cấy đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước như trêu đùa, thách thức tôi. Còn ba tôi thì chỉ nhẹ nhàng bảo: "Con cấy lại đi".
Tôi nghe lời ba cấy lại đến 5 hay 6 lần mạ mới trụ vững được. Khi mạ không nổi nữa thì tôi vẫn phải cấy lại bởi tôi cấy không có hàng lối nào cả. Trưa hôm đó tôi cảm giác rã rời và bụng thì đói cồn cào, ngồi vào bàn cơm, ba tôi chỉ đưa tôi lưng chén cơm cùng ít mắm kho quẹt và nói: "Cơm chỉ có thế thôi, con có ăn không?".
Tôi ngạc nhiên nhìn ba tôi và hỏi ngược lại: "Sao ba lại hỏi con như vậy?". Tôi trả lời: "Tại bình thường ba thấy con hay chê cái này chê cái kia, hay bỏ mứa cơm".
Ba tôi nhẹ nhàng nói: "Nghe ba nói vậy, tôi chỉ lặng lẽ ăn cơm mà không nói thêm gì cả. Tôi nghĩ ba đã hết thương tôi nên mới nghĩ ra cách đày đọa tôi như thế. Buổi tối, tôi ngồi lặng yên nhìn lên bầu trời, lắng nghe tiếng côn trùng kêu inh ỏi ngoài đồng. Ba tôi lại lặng lẽ đến bên tôi, cũng giọng nói nhẹ nhàng đó: "Con có biết tại sao cây lúa khi chín lại nghiêng về một bên không?". "Dạ tại vì hạt lúa nặng nên kéo cây nghiêng về một bên".
Ba tôi nhìn tôi mỉm cười, lắc đầu, nhìn lên bầu trời. Tôi phải gượng hỏi mãi ba mới nói: "Cây lúa nghiêng mình là để cuối đầu cảm ơn. Nó cảm ơn trời đã cho mưa, cho nắng, cho sương… Cảm ơn đất đã cho chất dinh dưỡng, đã cho hạt phù sa… Và đặc biệt là cảm ơn người nông dân đã dầm mưa dãi nắng bỏ công vun trồng, chăm nom mà nó có ngày trổ bông kết hạt. Con thấy đấy, lúa còn biết cuối đầu cảm ơn, vậy còn con sao lại phủi đi công lao của người nông dân của thiên nhiên?"
Tôi bỗng bất bình khi nghe câu nói cuối của ba: "Con có phủi đi đâu mà ba nói con như thế?"
Mẹ tôi bỗng cất lời: "Mỗi bữa ăn con đều để cơm dư đem đổ, chẳng khác nào con đem đổ đi mồ hôi và nước mắt của người tạo ra hạt gạo. Hôm nay, con đi cấy lúa, con cũng biết rồi đó, công việc chẳng phải dễ gì. Mẹ nghĩ chắc con cũng hiểu, để tạo ra thóc gạo thì người nông dân phải bỏ ra bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi".
Tôi im lặng nhìn ba mẹ tôi như biết hối lỗi. Ba tôi nhìn tôi tiếp lời mẹ: "Hôm nay ba không phải vì ghét bỏ con mà bắt con đi cấy. Ba chỉ muốn con biết trân trọng công sức của người khác cũng như trân trọng công sức của mình, đó là bài học về tiết kiệm. Ba cũng muốn con đừng nhìn thấy việc gì đơn giản hay thấy người khác làm một cách dễ dàng thì nghĩ nó đơn giản. Chỉ khi con bắt tay vào làm con mới hiểu hết công việc đó như thế nào, đừng đánh giá mọi việc qua mắt mình con nhé! Con hãy cảm nhận tất cả sự việc bằng trái tim và lý trí của con".
Khi đó, dĩ nhiên tôi không thể nào hiểu hết được những gì ba mẹ tôi nói, nhưng càng lớn lên tôi lại càng thấm thía bài học mà ba mẹ đã dành cho tôi. Giờ đây, mỗi lần đi qua bất cứ nơi nào có đồng lúa, tôi lại nhớ về quê và những kỷ niệm của tuổi thơ, nhất là bài học đầu tiên không bao giờ quên.
Đó cũng là lý do lý giải tại sao tôi lại hay có thói quen ăn cố đồ ăn thừa và thường ăn hết những gì có trong tô, chén của mình… Hay nói một cách vui hơn, bài học của ba mẹ chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi có thân hình tròn trịa hơn bao người.
Nguyễn Thị Diễm Hương