Tháng 9 năm ngoái, M.H., cô học trò có đôi mắt rất đẹp giấu sau chiếc khăn choàng phụ nữ Afghanistan đột nhiên bỏ học. Em 18 tuổi, rất hiền. Em thuộc nhóm trẻ đến từ các quốc gia gánh chịu chiến tranh đang học tại trung tâm Roshan dành cho người tị nạn ở Jakarta, Indonesia - nơi tôi giảng dạy tình nguyện. Dù tiếng Anh chưa tốt và thường phải dùng từ điển, M.H. luôn viết những câu văn khiến tôi lay động. "Tôi yêu sách vì mỗi quyển sách là một cuộc đời, lấp lánh như nắng mai, như nỗi buồn và nước mắt, như nụ cười của mẹ khi sinh hạ đứa con", em viết trong một bài tập.
Sự vắng mặt của cô bé làm tôi sốt ruột. Khi tôi nhắn tin, M.H. lễ phép trả lời rằng em không được khỏe. Vài tuần sau, cô học trò vẫn không đến lớp. Tôi cảm thấy phật lòng. Dù là giáo viên tình nguyện, tôi luôn nỗ lực hết mình và phải vật lộn với nạn tắc đường khủng khiếp ở Jakarta trên hành trình gần một giờ đồng hồ đến lớp. Tôi cũng luôn chuẩn bị nhiều trò chơi, bài tập vui nhộn vì muốn thấy sự hào hứng của học sinh. Tôi đã định nhắn tin trách móc M.H.
Kìm lại, tôi hẹn gặp giáo viên quản lý, người trực tiếp làm hồ sơ tị nạn cho các em. Tôi sửng sốt khi biết M.H. đang bị trầm cảm rất nặng. Và rằng tỷ lệ trầm cảm trong cộng đồng hơn 13.500 người tị nạn ở Indonesia rất cao, vì cuộc sống khó khăn, mất người thân, ít hy vọng được định cư ở nước thứ ba. Đã có nhiều người chọn cách kết liễu cuộc đời để giải thoát khỏi bế tắc.
Tôi mời M.H. tới nhà. Em kể tôi nghe lần cuối được trò chuyện với gia đình là gần ba năm trước. Cha mẹ em chỉ đủ tiền cho chuyến vượt biển của em sang Indonesia, còn cả nhà ở lại vùng bị Taliban chiếm đóng. Em lo lắng mỗi ngày về số phận người thân và luôn mơ về cha mẹ. Thuốc điều trị trầm cảm giúp vực dậy tinh thần, nhưng chúng cũng đem đến những cơn đau đầu dữ dội, vì thế em không thể tiếp tục học. Tôi kể cho em nghe câu chuyện về tuổi thơ gian khó của mình, chỉ cho em những cái cây tôi đang trồng và sức sống mãnh liệt của chúng. Chúng tôi cùng hít hà những loại rau thơm Việt Nam trong vườn. Rồi cô bé ra về với số tiền học bổng gia đình tôi tặng em hàng tháng, chậu cây và những cuốn sách. Sau hôm đó, M.H. quay trở lại lớp.
Học trò tại trung tâm Roshan, dù còn rất trẻ đã phải mang gánh nặng của chiến tranh và xung đột. Dẫu may mắn được tá túc trong những khu nhà cho người tị nạn chính phủ mở ra, nhưng ít ai được đi học. Nhiều người đã mất hết cha mẹ, anh chị em. Một số bị thất lạc gia đình từ nhiều năm. Dù vượt qua chặng đường đầy hiểm nguy để đến được Indonesia, nhưng cuộc sống của họ ở đây vô cùng bấp bênh. Họ bám víu vào tia hy vọng mong manh rằng phép màu sẽ đến, rằng sẽ có ai đó bảo lãnh để họ được đến một quốc gia khác định cư.
M.H. và bạn em cho tôi biết, một trong những lý do khiến các em phải rời bỏ quê hương là bởi ở Afghanistan, các em không có cơ hội tiếp cận tri thức. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 2/3 các em gái ở Afghanistan không được đi học. Ở vùng Taliban chiếm đóng, phụ nữ không được phép đến trường. Trong khi tỷ lệ biết chữ của phụ nữ Việt Nam hiện khoảng 93%, con số đó chỉ vẻn vẹn 15% đối với phụ nữ Afghanistan. Trong những bài viết của mình, học sinh của tôi bày tỏ bức xúc về chính sách tàn bạo của Taliban. Họ cho phép đàn ông đánh đập, sỉ nhục phụ nữ ở bất cứ nơi đâu. Phụ nữ bị bắt buộc phải ở nhà, không được ra ngoài làm việc. Phụ nữ phải mặc "Chadari" - bộ quần áo che kín cơ thể, kể cả mặt mũi. Phụ nữ bị ép gả cho những người đàn ông họ chưa từng gặp, phải sinh con đẻ cái thay vì được đến trường.
Suốt hai năm qua, tôi luôn nhìn thấy ngọn lửa khát khao tri thức trên gương mặt các nữ học sinh của mình. "Sách chính là chiếc phao cứu rỗi em những khi tuyệt vọng nhất", H.M. tâm sự. Tôi nhận ra rằng quyền được đến trường là quyền cơ bản nhất của mỗi người, và thế giới cần làm nhiều hơn để các em gái có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Hướng dẫn học sinh kỹ năng viết văn, khuyến khích em kể câu chuyện của chính mình, tôi chính là người nhận được nhiều nhất. Nhờ M.H., tôi nhớ lại những năm tháng sống trong đói nghèo, tự ti và bi quan. Vào những thời khắc đen tối ấy, các thầy cô ở Bạc Liêu và TP HCM đã soi rọi vào đời tôi ánh sáng. Họ đã vực tôi dậy bằng sự quan tâm, động viên, khích lệ, để tôi biết rằng mình không hề lẻ loi trên con đường tìm kiếm tri thức.
Tôi học được nghị lực sống từ những bài thơ, tiểu luận, truyện ngắn của học sinh. Chúng tràn đầy hy vọng về một tương lai nơi hòa bình sải cánh, nữ quyền được tôn trọng, các em có thể trở thành bác sĩ, giáo viên, người mẫu, cảnh sát... Các em dạy tôi về sự giàu có của nền văn hóa Afghanistan, về tầm quan trọng của việc lắng nghe học trò, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, đặc biệt là việc nâng đỡ các em khỏi tổn thương. Tôi may mắn khi là người đầu tiên được đọc các tác phẩm văn học đẫm nước mắt, nụ cười của các em. Chúng tôi đã lên kế hoạch xuất bản một tuyển tập các tác phẩm ấy. Toàn bộ tiền bán sách sẽ sử dụng để giúp học sinh của tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Ở cách xa Việt Nam trong ngày kỷ niệm của nghề giáo, khi thế giới đang chống chọi với đại dịch, nhiều trẻ em đang phải gánh chịu vô vàn áp lực, tôi mơ về một nền giáo dục đầy ắp tình yêu và sự quan tâm - đặc biệt đối với những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần, nơi các học trò nam và nữ được đối xử bình đẳng, nơi hạnh phúc của học sinh cũng được đề cao như điểm số. Tôi mơ rằng mọi ngôi trường ở Việt Nam và châu Á đều có chuyên gia tâm lý, để các học sinh như M.H. được giúp đỡ.
Sau hơn 18 năm tham gia giảng dạy, các học trò nữ trùm khăn từ Afghanistan đã dạy cho tôi bài học quý giá: rằng nhiệm vụ của giáo viên không chỉ là truyền kiến thức mà thực sự nhiều hơn thế. Và nếu sẵn sàng lắng nghe, người thầy sẽ luôn được khai sáng từ chính học trò của mình.
Nguyễn Phan Quế Mai