Hai tác phẩm chính của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Bạch Vân am thi tập và Bạch Vân quốc ngữ thi.
Bạch Vân am thi tập là tập thơ chữ Hán, có 10 quyển với khoảng 1.000 bài, hiện còn khoảng 500 bài. Trong lời đề tựa cho tập thơ chữ Hán của mình, ông đã viết: "Tuy nhiên cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân".
Theo Từ điển Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường, đề tài trong tập thơ này khá đa dạng, từ ngụ ý, cảm hứng, ngụ hứng, tự thuật, tự thán, cảm tác, ngẫu thành, tức sự. Có đề tài liên quan đến đạo lý quần thần, có đề tài viết về sự kiện tác giả giúp nhà Mạc, thế sự, nhân tâm. Đáng chú ý trong tập thơ là các bài viết về thiên nhiên, tạo vật.
Bạch Vân quốc ngữ thi tập là tập thơ chữ Nôm, được ông sáng tác từ khi về nghỉ ở quê nhà, không cho biết có bao nhiêu bài, hiện còn lại khoảng 180 bài. Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm làm theo thể Đường luật và Đường luật xen lục ngôn. Ông thường không đặt tiêu đề cụ thể cho từng bài, phần lớn được các nhà biên soạn sau này đặt tựa.
Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh khiêm góp phần nâng cao ngôn ngữ văn học dân tộc từ ngôn ngữ dân gian tới ngôn ngữ xã hội nói chung. Thơ ông đậm đà phong vị dân tộc, gân guốc, cô đọng, súc tích mà vẫn hồn hậu, bình dị.
Nhìn chung, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nặng tính triết lý, giáo hối nhưng có chiều sâu của sự suy tưởng, thái độ ôn tồn, thuyết giải và rất đỗi chân tình. Ông chân tình lo nước, thương đời, chân tình khuyên nhủ, bàn bạc, mách bảo điều hơn, lẽ thiệt cho người. Ông chân tình cả khi phê phán, tố cáo những tệ lậu của xã hội.
Câu 5: Ai từng là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm