Bạch Tuyết nói suốt sáu thập kỷ vào nghề, bà chỉ có bạn thân duy nhất là Diệu Hiền. Họ chơi với nhau năm 17 tuổi, cùng vào đoàn Thống Nhất của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn. Thấy Diệu Hiền dọn vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ, quận 8, TP HCM, ít đi diễn hơn, Bạch Tuyết tiếc cho bạn vì biết bà vẫn mê hát, giọng còn khỏe. Bà nói: "Tôi muốn cùng bạn - 'đệ nhất đào võ' một thời - và khán giả ôn lại cải lương giai đoạn vàng son".
Diệu Hiền cho biết hàng chục năm qua, bà rời sân khấu vì sức khỏe không tốt, chỉ thỉnh thoảng diễn một số chương trình do người quen tổ chức. Nghệ sĩ tự nhận giọng hát đã sa sút, chỉ có lòng yêu nghề vẫn nguyên vẹn. Bà nhận lời tham gia show của Bạch Tuyết vì muốn hàn huyên kỷ niệm với người bạn sinh cùng năm. Bà cho biết: "Ngày đó, Bạch Tuyết nhõng nhẽo lắm, có chuyện gì cũng gục đầu lên vai tôi kể, khóc ướt đẫm cả áo".
Trong đêm nhạc, cả hai thể hiện các vở gắn bó tên tuổi. Diệu Hiền diễn lại một số tiết mục như Nhụy Kiều tướng quân, Tần Quỳnh khóc bạn, hát một số bài tân cổ bà viết lời. Đôi nghệ sĩ lần đầu kết hợp diễn một trích đoạn cải lương kinh điển.
Bạch Tuyết sinh năm 1945, tại Châu Đốc, An Giang. Bà lên sân khấu lần đầu năm 1962 với vai cô lái đò vở Lá thắm chỉ hồng (soạn giả Điêu Huyền). Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm qua vai người vợ bé trong kịch bản Tàn một kiếp hoa (soạn giả Trọng Nguyên). Năm 1965, trong vai Lê Thị Trường An vở Tuyệt tình ca (soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp), Bạch Tuyết nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc. Bà được giới báo chí thời đó phong tặng danh hiệu "Cải lương chi bảo".
Đôi Bạch Tuyết - Hùng Cường từng để lại dấu ấn đẹp nhất trong lòng khán giả mộ điệu cải lương. Bà còn biểu diễn ăn ý với các nam nghệ sĩ như: Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương... Bạch Tuyết là người đầu tiên thể nghiệm phong cách độc diễn cải lương trong vở Hoàng hậu hai vua.
Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh tại Bạc Liêu, sớm mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Bà bỏ nhà theo gánh hát năm 14 tuổi. 16 tuổi, Diệu Hiền cùng nghệ sĩ Trương Ánh Loan chia nhau vai đào chính trên sân khấu đoàn hát Hoa Anh Đào - Kim Chưởng trong các vở Mặt trời đêm, Người Nhện xám, Kim Long thần chưởng, Thoại Khanh Châu Tuấn... Năm 1961, nghệ sĩ trở thành đào chính trong đoàn hát Thống Nhất của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào đem về cho Diệu Hiền danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương" thời bấy giờ.
Sau năm 1975, đời sống cải lương khó khăn, nghệ sĩ theo các gánh hát đi diễn tỉnh để mưu sinh. Năm 1979, một tai nạn hỏa hoạn khiến tay trái của bà hỏng nặng. Từ đó, Diệu Hiền ít tham gia các đoàn hát, sống lặng lẽ cùng gia đình.
Mai Nhật