Ca khúc do Diệu Hiền sáng tác, ra mắt tối 8/5 nhân Ngày của mẹ (chủ nhật ở tuần thứ hai của tháng 5). Qua tiếng đàn của nghệ sĩ Thanh Hải, cặp nghệ sĩ hát về tình yêu người mẹ trọn đời dành cho các con.
Ngoài việc hát tặng khán giả, Diệu Hiền dành tâm tư tưởng nhớ đến mẹ. Nghệ sĩ sinh ra trong một gia đình khá giả tại Bạc Liêu, nhưng khi cha bà qua đời, mối quan hệ giữa mẹ bà với nhà nội không còn tốt đẹp. Mẹ bà phải bỏ xứ làm ăn, Diệu Hiền được dẫn theo. Bà nhiều năm làm lụng vất vả để đón những đứa con còn lại lên Sài Gòn.
Diệu Hiền nói: "Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến bà khổ cực để nuôi nấng các anh chị em tôi. Những lúc mẹ đau bệnh, tôi luôn ước có thể làm gì đó để mẹ bớt đau. Khi mẹ mất, tôi bơ vơ, trống trải dẫu lúc đó tôi đã trên 60 tuổi. Ngày tháng càng dài, nỗi nhớ càng sâu. Tôi mong những ai còn mẹ hãy thương mẹ thật nhiều". Người mẹ cũng là niềm cảm hứng cho Diệu Hiền sáng tác nhiều ca khúc như Vu Lan tìm mẹ, Công mẹ ơn thầy...
Khi thể hiện bản vọng cổ, Bạch Tuyết nhớ đến người mẹ thứ hai - cố nghệ sĩ Phùng Há. Mẹ ruột qua đời năm bà tám tuổi. Năm 16 tuổi, bà vào nghề hát và gặp Phùng Há, gọi nghệ sĩ là má. "Bà không chỉ dạy nghề mà còn dạy tôi đạo đức, nhân cách nghệ sĩ. Những bài học về đạo của bà, tôi luôn nằm lòng và tập làm theo mỗi ngày. Tôi biết ơn má và nghĩ rằng ở một nơi xa xăm nào đó, má luôn mỉm cười, nhìn về tôi", Bạch Tuyết nói.
Bạch Tuyết động viên Diệu Hiền ra mắt sáng tác mới sau nhiều năm ngừng viết. Họ thân với nhau năm 17 tuổi, cùng vào đoàn Thống Nhất của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn. Thấy Diệu Hiền dọn vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ, quận 8, TP HCM, ít đi diễn hơn, Bạch Tuyết tiếc cho bạn vì biết bà vẫn mê hát, giọng còn khỏe. Một năm qua, bà khuyên bạn - "đệ nhất đào võ" một thời - đi hát trở lại. Hồi tháng 12/2021, bà làm show Gửi người tri kỷ, cùng đồng nghiệp ôn tình bạn 60 năm .
Bạch Tuyết sinh năm 1945, tại Châu Đốc, An Giang. Bà lên sân khấu lần đầu năm 1962 với vai cô lái đò vở Lá thắm chỉ hồng (soạn giả Điêu Huyền). Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm qua vai người vợ bé trong kịch bản Tàn một kiếp hoa (soạn giả Trọng Nguyên). Năm 1965, trong vai Lê Thị Trường An vở Tuyệt tình ca (soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp), Bạch Tuyết nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm dành cho diễn viên xuất sắc. Bà được giới báo chí thời đó phong tặng danh hiệu "Cải lương chi bảo".
Cặp Bạch Tuyết - Hùng Cường từng để lại dấu ấn đẹp nhất trong lòng khán giả mộ điệu cải lương. Bà còn biểu diễn ăn ý với các nam nghệ sĩ như: Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương... Bạch Tuyết là người đầu tiên thể nghiệm phong cách độc diễn cải lương trong vở Hoàng hậu hai vua.
Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh tại Bạc Liêu, sớm mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Bà bỏ nhà theo gánh hát năm 14 tuổi. 16 tuổi, Diệu Hiền cùng nghệ sĩ Trương Ánh Loan chia nhau vai đào chính trên sân khấu đoàn hát Hoa Anh Đào - Kim Chưởng trong các vở Mặt trời đêm, Người Nhện xám, Kim Long thần chưởng, Thoại Khanh Châu Tuấn... Năm 1961, nghệ sĩ trở thành đào chính trong đoàn hát Thống Nhất của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào đem về cho Diệu Hiền danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương" thời bấy giờ.
Sau năm 1975, đời sống cải lương khó khăn, nghệ sĩ theo các gánh hát đi diễn tỉnh để mưu sinh. Năm 1979, một tai nạn hỏa hoạn khiến tay trái của bà hỏng nặng. Từ đó, Diệu Hiền ít tham gia các đoàn hát, sống lặng lẽ cùng gia đình.
Mai Nhật