20h hàng ngày, sau khi xem xong chương trình thời sự tối, ông Lê Nhân Tuấn, 64 tuổi, lại ngồi vào bàn, bật máy tính và học bài. Ông đeo tai nghe, chăm chú theo dõi bài giảng video rồi cắm cúi ghi chép. Hơn một năm qua, ông Tuấn trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo trực tuyến (e-learning) của Đại học Mở Hà Nội.
Ông Tuấn từng tốt nghiệp xuất sắc bác sĩ nội trú của Học viện Quân y năm 1981, sau đó được giữ lại trường làm giảng viên, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103. Ông từng có thời gian công tác tại Sở Y tế Hà Nội và tham gia giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng, trước khi nghỉ hưu năm 2017. Hai năm sau, trở thành giảng viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) và sau đó đảm nhiệm vị trí trưởng bộ môn Nội - Khoa.
Sinh ra ở Hà Tĩnh, từ nhỏ, bác sĩ Tuấn thích học, xem đó là niềm vui, sở thích. Trong những năm công tác, ông có cơ hội làm việc cùng nhiều tổ chức quốc tế, đặt chân tới các nước trên thế giới và sử dụng tiếng Anh phục vụ công việc. Đam mê tiếng Anh và mong muốn được học hoàn chỉnh một ngôn ngữ, tiến sĩ y khoa quyết định đăng ký học hệ đào tạo trực tuyến hồi tháng 4/2020 để chủ động hơn về thời gian và địa điểm học.
"Học là niềm yêu thích của tôi. Tôi muốn tăng năng lực sử dụng tiếng Anh để có thể đọc được những cuốn sách hay, nghe chương trình tin tức và hỗ trợ các cháu học tiếng Anh", ông Tuấn giải thích lý do trở lại làm sinh viên ở tuổi ngoài lục tuần.
Ngoài ra, làm việc trong môi trường giảng dạy, được tiếp xúc với nhiều sinh viên quốc tế, nếu không biết tiếng Anh, ông sẽ khó chuyển tải được nội dung bài giảng.
Biết ông Tuấn đi học, người thân, đặc biệt hai con, đều khuyến khích và động viên bố. Người con trai ở Mỹ gửi sách, còn con gái sống ở TP HCM facetime hướng dẫn bố vào Zoom và nộp bài tập. Chị Dung, con gái bác sĩ Tuấn, lúc đầu bất ngờ nhưng hiểu bố là người say mê học tập, chị lại cảm thấy tự hào.
Với chị, bố là tấm gương về tinh thần học tập, là động lực giúp chị hoàn thiện bản thân. "Mỗi lần vào thăm con, bố chỉ mang 2-3 bộ quần áo, còn lại là sách chất đầy vali. Tối đến là bố học, đọc sách và nghiên cứu. Nhìn bố, tôi không thể cho phép bản thân lười biếng", chị Dung nói.
Theo chị Dung, bố chị gặp nhiều khó khăn khi trở lại học do trí nhớ đã giảm sút và việc sử dụng công nghệ phức tạp. Học online nên ông Tuấn phải thao tác trên máy tính, sử dụng các ứng dụng để làm bài tập, gửi bài tập. Ban đầu chưa quen, ông nhờ người cháu hỗ trợ, thậm chí ngồi cạnh kèm lúc học. Ông cũng gửi bài luận cho các con nhờ đọc và sửa. Cả hai người con đều giỏi tiếng Anh nên có thể hướng dẫn bố cách viết và dùng từ.
Do đã có kinh nghiệm học và ôn thi từ thời bác sĩ nội trú, ông thường chọn điểm rơi trước ba ngày thi để tập trung ôn luyện. Nhưng do chưa làm chủ được công nghệ, bác sĩ khá căng thẳng mỗi khi kỳ thi đến.
"Tôi hoảng vì dốt công nghệ. Học khó không ngại nhưng lúc đầu chưa rành kỹ thuật, tôi rất nản", tiến sĩ Tuấn nhớ lại.
Nhưng ông quyết tâm vượt qua vì nếu không chịu học hỏi và tiếp thu công nghệ mới, việc giảng dạy của ông với sinh viên sẽ thất bại. Hơn nữa, học trực tuyến là phương án tối ưu trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Hiện ông học đến học phần 4 trong 7 học phần của chương trình e-learning kéo dài 2,5 năm. Hàng ngày, ông chia 30 phút cho mỗi môn học gồm kỹ năng nói, nghe, viết và dẫn luận ngôn ngữ. Ông bám sát bài giảng của giáo viên và tự rèn luyện kỹ năng bằng việc nghe các chương trình của CNN, ABC để thực hành tiếng. Ông luyện nói với Crazy English hay chương trình của một số trường đại học như Đại học Boston, Mỹ.
"Tôi thích nghe các chương trình tin tức và bắt chước ngữ điệu, cách dùng câu, từ của họ. Tôi nghe rồi nói theo đúng cách họ nói", ông Tuấn cho hay.
Trong các kỹ năng, ông thấy khó nhất là nghe do phải ghi nhớ nhiều thông tin. Ông thích thú với kỹ năng đọc, nói và thấy cần phải cố gắng ở môn viết. Điều khiến ông mừng nhất là không phải thi lại môn nào trong năm thứ nhất; các môn phần lớn đạt điểm khá, giỏi. Ông Tuấn không quá quan trọng điểm số mà chỉ tập trung vào học để tích lũy kiến thức cho bản thân.
Sau một năm học, khả năng nghe và diễn đạt bằng tiếng Anh của ông tiến bộ khi có thể đọc được những cuốn sách best-seller yêu thích, tự tin tham gia các hội thảo quốc tế hoặc trao đổi với chuyên gia của nhiều tổ chức y tế thế giới. Bí quyết của ông là "không ngại nói" và dùng ngôn ngữ hình thể khi bí cách diễn đạt. Bên cạnh tiếng Anh, ông còn học tiếng Pháp như ngôn ngữ thứ hai ở trường đại học.
Tinh thần ham học của ông Tuấn truyền đi động lực tích cực và khích lệ các sinh viên khác trong lớp. Lần đầu tiên gặp ông Tuấn, anh Hà Văn Nghĩa, lớp trưởng lớp Ngôn ngữ Anh, ngạc nhiên với "người bạn cùng lớp" lớn tuổi. Trò chuyện với ông, anh Nghĩa càng thêm ngưỡng mộ và ấn tượng ở sự nhiệt tình, trách nhiệm cùng khả năng học tập tốt.
"Hình ảnh một người hơn 60 tuổi, đeo kính, tóc bạc học cùng các bạn chỉ bằng tuổi con cháu mình đã tác động mạnh mẽ tới các thành viên trong lớp. Những người trẻ như chúng tôi cảm thấy có động lực cố gắng hơn", anh Nghĩa, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, nói.
Ông Tuấn vui khi được các bạn học yêu mến và thích trò chuyện. Trong lớp có nhiều sinh viên giỏi, ông thường xuyên tương tác để học hỏi họ. Ngoài việc học và giảng dạy, ông còn tham gia mạng lưới các bác sĩ hỗ trợ F0 ở TP HCM và Hà Nội.
"Tôi mong ước đem kinh nghiệm, kiến thức và cái tâm của người làm nghề y truyền lại cho sinh viên để sau này họ phục vụ nhân dân", bác sĩ Tuấn tâm sự.
Với các sinh viên trẻ, ông khuyên cần có sự quyết tâm và định hướng rõ ràng, xuất phát từ khả năng của bản thân và nhu cầu xã hội. Họ phải xác định được mục đích của việc học, từ đó lên kế hoạch đạt mục tiêu.
Ông Tuấn dự định, học xong đại học, có nền tảng, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu và thử sức với các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Bình Minh