-
Theo hồ sơ vụ án, trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường (trên đường Giải Phóng, Hà Nội) phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực. Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 3 tiếng do Nguyễn Mạnh Tường (chủ thẩm mỹ viện) thực hiện, chị Huyền có biểu hiện co giật. Chiều cùng ngày, ít phút sau khi Tường rời phòng phẫu thuật, chị Huyền đã tử vong. Để che giấu, Tường tổ chức mang xác bệnh nhân ra cầu Thanh Trì phi tang xuống sông Hồng.
Ngày 22/10/2013, lần theo hóa đơn thanh toán của chị Huyền, gia đình chị tìm đến thẩm mỹ viện Cát Tường. Từ đây sự việc được phanh phui. Ngày 31/10/2013 Công an Hà Nội khởi tố bị can, tạm giam Tường về 2 tội: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự) và Xâm phạm thi thể (Điều 246 Bộ luật hình sự). Bảo vệ Đào Quang Khánh (17 tuổi) bị khởi tố về hành vi Xâm phạm thi thể và Trộm cắp tài sản.
Quá trình điều tra vụ án, gia đình nạn nhân không đồng ý với tội danh truy tố, cho rằng nghi can Tường phải bị xử lý về tội Giết người mới thoả đáng.
Ngày 14/4, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm song sau 2 tiếng làm việc, TAND Hà Nội tuyên trả hồ sơ vì cho rằng có mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo mà tòa không thể làm sáng tỏ. Ngày 18/7, phần thi thể không đầu của chị Huyền bất ngờ được tìm thấy ở bến đò Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Theo cáo trạng truy tố lần hai, tội danh truy tố của nghi can Tường không thay đổi, nhưng khung hình phạt tăng từ khoản 1 lên khoản 3 ở tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (mức phạt cao nhất tăng từ 5 lên 15 năm), tội của Khánh giữ nguyên. Trong bản cáo trạng lần hai này, cơ quan điều tra cho hay Sở Y tế trả lời thời điểm xảy ra vụ án chưa được thực hiện kỹ thuật hút mỡ, bơm ngực như nghi can Tường đã làm với nạn nhân Huyền. Bên cạnh đó, do tử thi khi được phát hiện đã phân huỷ mạnh nhà chức trách không đủ cơ sở xác định nguyên nhân tử vong...
Vợ Tường và hơn 10 người liên quan được cơ quan điều tra cho rằng không khai báo với công an về sự việc nhưng hành vi chưa đến mức xử lý hình sự.
-
08h30
Tòa bắt đầu mở cửa cho những người liên quan vào làm thủ tục. Xe chở bị cáo đến tòa cũng trễ hơn so với thường lệ.
Trước đó hơn một tiếng, người nhà nạn nhân đã có mặt. Hai con trai chị Huyền đầu chít khăn tang, ôm di ảnh mẹ lặng lẽ theo bố vào tòa.
-
08h50
Bị can Tường mặc áo gió màu đen, bộ dạng ủ rũ, cúi gằm mặt và nhanh chóng bị nhóm cảnh sát áp giải vào phòng xử. Theo chân Tường, bảo vệ Đào Quang Khánh khá bình thản.
-
09h13
Công tố viên bắt đầu đọc cáo trạng. Quá trình phẫu thuật làm chết bệnh nhân rồi ném xác chị Huyền phi tang của vị bác sĩ và nhân viên được tái hiện. Trong khi Tường khá điềm tĩnh, Khánh thỉnh thoảng dáo dác nhìn xung quanh.
Phòng xử rộng của tòa Hà Nội chỉ kín 1/3 chỗ.
Thẩm phán chủ tọa là bà Lê Thị Hợp. 5 luật sư có mặt tham gia phiên xử. Sở Y tế Hà Nội cử đại diện tham dự.
-
09h20
Khi công tố viên đọc đến hành vi ném xác bệnh nhân xuống sông của Tường, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ nạn nhân ôm mặt, mắt đỏ hoe. Bà đang nằm viện, dù sức khỏe còn yếu nhưng vẫn muốn dự phiên xử. Có mặt tại tòa từ hơn 7h sáng cùng gia đình mang theo di ảnh con, bà Hiền nhiều lần gục vào hai cháu ngoại, khóc nức nở.
Tại tòa, bố mẹ nạn nhân chia sẻ với VnExpress dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng họ vẫn khá căng thẳng, hồi hộp chờ đợi để được trình bày những khúc mắc còn băn khoăn về cáo trạng.
-
09h35
Trong lúc lắng nghe vị đại diện VKS nêu lại quá trình tìm kiếm thi thể nạn nhân suốt nhiều tháng, thi thoảng Tường nhắm mắt, trong khi Khánh cúi đầu, chốc lát lại quay sang nhìn Tường.
Bác sĩ Nguyễn Quang Thành (đồng nghiệp của Tường tại Bệnh viện Bạch Mai) có mặt tại tòa theo triệu tập và cam kết "khai đúng sự thật". Ông Thành là người được Tường nhờ đến cấp cứu cho chị Huyền tại thẩm mỹ viện Cát Tường trong khi chị bất tỉnh sau ca phẫu thuật nâng ngực hút mỡ bụng do Tường thực hiện kéo dài 4 tiếng. Lúc này, Tường đang đi chùa.
Mẹ nạn nhân Huyền nói chuyện với dì của nghi can Khánh. Bà tỏ ra thông cảm khi Khánh thực hiện hành vi phạm tội lúc còn nhỏ tuổi. Gần đấy, bố của Khánh ngồi lặng trong lúc công tố viên đọc đến phần buộc tội con mình. Gương mặt người cha có cậu con trai bị bắt khi mới 17 tuổi trông hốc hác, khắc khổ.
-
09h50
Cáo trạng được công bố xong, Tường thừa nhận nội dung truy tố là đúng. Ngay sau đó, vị bác sĩ này bất ngờ xin tòa được nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân. Tuy nhiên khi bị tòa ngắt lời và hỏi lại về nội dung cáo trạng, Tường lại nói nội dung bản cáo trạng có nhiều điểm không đúng.
-
09h55
Sang phần xét hỏi, Tường bị thẩm vấn đầu tiên. Bị cáo khai cần rất nhiều thủ tục để mở thẩm mỹ viện Cát Tường. Tường hiểu rõ phòng khám phải có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cấp cứu, bác sĩ phải đủ trình độ chuyên môn và có giấy phép hành nghề.
Tuy nhiên bị cáo thừa nhận chưa có giấy chứng nhận hành nghề vì đang trong quá trình hoàn tất. Trên thực tế Cát Tường chưa được hoạt động nhưng bị cáo nghĩ sẽ hoàn thiện và bổ sung sau.
Bị cáo từng là bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai này khai có bằng thạc sĩ y khoa, có bằng sau đại học về phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình.
-
10h00
Trước câu hỏi về những bước làm phẫu thuật thẩm mỹ, Tường khai có biết quy trình và một trong những tiêu chí quan trọng nhất là xem bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe không.
Các bệnh nhân đều cần làm những xét nghiệm nhỏ, việc này do các y tá thực hiện. Theo Tường, "hút mỡ nâng ngực" là thủ thuật nhỏ không phải phẫu thuật lớn. Do vậy với ca của chị Huyền, bị cáo không làm xét nghiệm mà chỉ khám và hỏi tiền sử.
Tường không trực tiếp pha thuốc để chuẩn bị cho ca phẫu thuật chị Huyền, bởi khi đến đã thấy có sẵn rồi, không biết y tá nào làm. Tường khai, theo quy trình tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, công thức pha thuốc đã hướng dẫn từ trước và các y tá đi mua ở các hiệu thuốc. "Đây là công thức chuẩn của các giáo sư Hàn Quốc, mới vào Việt Nam song chưa được phổ biến", Tường khai và nói mình là người ứng dụng công thức này.
Tòa hỏi: "Bị cáo có làm đúng quy trình không?". Tường đáp: "Có".
-
10h15
Tường khai trước lúc phẫu thuật không thấy chị Huyền có biểu hiện bất thường. Sau phẫu thật, chị Huyền có biểu hiện co giật, Tường cho rằng đó là biểu hiện của bệnh lý động kinh nên đã tiêm thuốc và đo huyết áp. Thấy sức khỏe nạn nhân bình thường, bị cáo đã đi chùa. Sau chừng một tiếng thì nhân viên báo về.
Tòa hỏi: "Sao không ở nhà theo dõi mà lại bỏ đi?". Tường trả lời rằng với bệnh động kinh thì đánh giá không nguy hiểm lắm nên mới đi.
Tòa hỏi: "Vì sao khi chị Huyền mất không báo với gia đình". "Bị cáo sợ gia đình nạn nhân bức xúc", Tường đáp. Anh ta cũng khai đã không đưa thi thể chị Huyền vào Bệnh viện Bạch Mai ở ngay gần đó vì quá đông mà chọn Bệnh viện Bưu điện. "Bị cáo tự quyết định không bàn bạc với ai dù xung quanh có rất nhiều người. Bị cáo có nhờ Thành đi vào cùng, sau đó Khánh đi cùng", Tường nói.
Bị cáo này cũng khai không nhớ quyết định vứt xác "là của ai nữa" vì lúc đó quá rối trí. Và khi thực hiện cùng Khánh đã nghĩ "trời thương thì thoát". Nghe Tường khai như vậy, nhiều người nhà nạn nhân tỏ thái độ căm phẫn.
Vị bác sĩ cũng cho biết, lúc cùng đi phi tang xác chị Huyền, vợ đã khuyên can nhưng vẫn cứ làm. Bị cáo nghĩ Khánh tốt với mình nên giúp. Đến lúc này, bị cáo Tường lại bất ngờ khai Khánh gợi ý việc vứt xác nhưng bị cáo là người quyết định.
"Lúc đó sợ thì cứ vứt vì không biết làm gì cả, cũng không có mục đích gì", Tường nói.