Nội dung bản cáo trạng mới nhất VKSND Hà Nội chuyển sang TAND Hà Nội ngày 16/10 cho thấy, ngày 19/10/2013, biết bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền tử vong sau ca phẫu thuật do mình vừa thực hiện, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường (đường Giải Phóng, Hà Nội) đã nói sự việc cho vợ là Nguyễn Thị Hằng, đồng thời chỉ đạo Phó giám đốc của Cát Tường là Lê Thị Thúy Mai cùng các nhân viên thu dọn, phi tang hiện trường.
Khoảng 21h cùng ngày, Tường họp với Hằng, Mai, Thành cùng bảo vệ Đào Quang Khánh và một nhân viên tên Công tại tầng hai của thẩm mỹ viện Cát Tường, thống nhất đưa xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu điện rồi gọi người nhà nạn nhân đến nhận tử thi. Đi theo Tường đưa xác chị Huyền đến bệnh viện có Khánh, Mai, Hằng.
Theo gợi ý của Khánh, Tường lái ôtô mang xác nạn nhân Huyền lên cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng, dù vợ đi cùng đã can ngăn. Theo cáo trạng, Mai không đi cùng, không tham gia bàn hay thống nhất ném xác chị Huyền xuống sông nhưng hôm sau đã cùng nhân viên thu dọn các camera, ổ cứng máy tính trong thẩm mỹ viện đem ra cầu Long Biên, hồ Hoàng Cầu vứt.
Ngày 21/10/2013, Tường và Khánh bị bắt. Suốt nhiều tháng sau đó, dù nhà chức trách và gia đình chị Huyền nỗ lực tìm kiếm nhưng xác thiếu phụ vẫn bặt tăm. Ngày 17/8, phần thi thể không toàn vẹn chị Huyền được một dân chài phát hiện dạt vào bờ tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Bản cáo trạng cũng thể hiện, vợ Tường không tố giác chồng là sai nhưng hành vi không cấu thành tội phạm nên chỉ bị phạt hành chính. Với phó giám đốc Mai và 9 nhân viên khác biết Tường hút mỡ, nâng ngực cho chị Huyền gây hậu quả nạn nhân tử vong song cũng không tố cáo. Tuy nhiên, hành vi này không cấu thành tội hình sự. Tương tự, bác sĩ Thành cũng bị xử lý hành chính.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột có hành vi che giấu, không tố giác tội phạm nhưng không thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng thì được miễn trách nhiệm hình sự. Đây cũng là một chính sách nhân đạo mà cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều. Theo ông, vợ Tường được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng quy định.
Theo luật sư, trong vụ án này nghi can Tường bị truy tố ở hai tội danh trên nên những người liên quan được miễn trách nhiệm hình sự vì không tố giác tội phạm là hợp lý. "Những người này không bàn việc ném xác nạn nhân Huyền xuống sông Hồng thì không thể truy tố tội đồng phạm giúp sức xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được", luật sư Nghiêm nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng khẳng định, do bị can Tường, Khánh bị xử lý về những tội trên nên hành vi của người liên quan không cấu thành tội Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, dù hành vi không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc làm của họ là "vi phạm pháp luật, gây cản trở cho hoạt động điều tra phát hiện tội phạm của cơ quan điều tra". Vì thế cần xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về việc “cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức".
Cùng quan điểm, ông Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: "Do không truy tố nghi can Tường về tội Giết người nên không đủ yếu tố để xử lý những người liên quan về hành vi che giấu, không tố giác tội phạm”.
Ở khía cạnh khác, một số luật sư cho hay nếu chị Huyền chết sau khi bị ném xuống sông thì hành vi của Tường phạm vào tội Gết người. Nếu nạn nhân chết từ trước thì truy tố tội Xâm phạm thi thể là hợp lý.
Dự kiến, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 11.
Tại bản cáo trạng ra lần 2, sau khi bị TAND Hà Nội yêu cầu điều tra bổ sung, VKSND Hà Nội cho hay cơ quan chức năng kết luận không có đủ cơ sở để xác định nguyên nhân tử vong của chị Huyền, do tử thi không có đầu, các bộ phận, tay, chân, phần còn lại phân hủy mạnh. Tội danh truy tố của Tường vẫn là Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, như cáo trạng lần 1. Tuy nhiên, VKS nâng khung hình phạt truy tố từ khoản 1 lên khoản 3 nên nghi can Tường có thể phải đối diện mức án 20 năm tù. |
Bảo Hà - Việt Dũng