Giữ được tính mạng sau cơn đột quỵ vào 7 năm trước, song ông Dũng phụ thuộc người nhà trong hầu hết sinh hoạt cá nhân, gác lại công việc tài xế khi mới 45 tuổi. Gia đình đã sẵn sàng tâm lý chăm một người khuyết tật, nên khi chứng kiến ông cất giọng nói, có thể bước đi vững vàng, tự mình đến viện, sau khoảng 4 tháng tập phục hồi chức năng, ai nấy đều ngỡ ngàng.
"Nay tôi có thể tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà, phụ vợ dọn dẹp chén bát, bê thức ăn cho khách đến quán cơm gia đình", ông Dũng nói, hôm 24/2.
Bên cạnh một số buổi tập để duy trì vận động, ngôn ngữ, tuần nào ông cũng tự đón xe buýt đến bệnh viện tham gia lớp hội họa miễn phí, cầm cọ vẽ tranh, truyền động lực những người cùng cảnh ngộ thêm kiên trì tập luyện.
Ông Dũng là một trong số rất nhiều bệnh nhân được tiến sĩ Lê Khánh Điền, 57 tuổi, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu Châu Á - Thái Bình Dương, cùng đồng nghiệp góp phần giúp thoát khỏi cuộc sống phụ thuộc người thân, độc lập trong hoạt động đời thường và lấy lại niềm vui, ý nghĩa cuộc sống.
Mô hình "Âm ngữ trị liệu - Phục hồi giao tiếp nhằm đem lại ý nghĩa cuộc sống cho người sau đột quỵ" của Bệnh viện An Bình, do bác sĩ Điền cùng tiên phong gầy dựng, được trao giải Thành tựu y khoa Việt Nam 2023 do Sở Y tế TP HCM phối hợp tổ chức, đêm 26/2. Mô hình ra đời sau những tháng năm ông Điền miệt mài học tập ở nước ngoài, dấn thân vào chuyên ngành mới, trở thành tiến sĩ đầu tiên về ngôn ngữ trị liệu trong lĩnh vực y tế Việt Nam.
Thực tế, nhiều nơi ở Việt Nam nhầm lẫn rằng phục hồi chức năng đồng nghĩa vật lý trị liệu, bởi đây là lĩnh vực quan trọng, giúp hồi phục thể chất, lấy lại khả năng vận động cho người bệnh. Tuy nhiên, trên thế giới, phục hồi chức năng có phạm vi rộng lớn, với ít nhất "kiềng 3 chân" gồm vật lý trị liệu - âm ngữ trị liệu - hoạt động trị liệu, bên cạnh đó còn có tâm lý, âm nhạc trị liệu, công nghệ hỗ trợ (dụng cụ, phần mềm...).
Đầu những năm 2000, chứng kiến không ít bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương sọ não sống trong bức bối, khổ sở vì không nói được, uống một ngụm nước cũng trở nên khó khăn, thậm chí viêm phổi tử vong vì hít sặc thức ăn, ông Điền trăn trở tìm hiểu tài liệu. Tuy nhiên, những cuốn sách về lĩnh vực này trong thư viện trường y rất hiếm và lạc hậu, ông cũng không tìm được người nào chuyên sâu lĩnh vực này ở Việt Nam để hỏi.
Cơ hội đến vào năm 2010, hiệu trưởng ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch khi ấy là PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung phối hợp Tổ chức Trinh Foundation Australia tuyển sinh khóa đào tạo 2 năm, đầu tiên tại Việt Nam về âm ngữ trị liệu. Sau tốt nghiệp xuất sắc khóa này, ông tiếp tục dành học bổng đi học ở Sydney, chứng kiến người bệnh đột quỵ nặng có thể hồi phục ngoạn mục khả năng giao tiếp và nuốt.
"Khi ấy, tôi băn khoăn tại sao y khoa thế giới có một chuyên ngành chỉ tập trung phục hồi hai khả năng là nói và nuốt, như vậy hai vấn đề này rất quan trọng và cũng rất chuyên sâu", tiến sĩ Điền nói. Thực tế, ông từng gặp bệnh nhân buồn bực, u uất suốt nhiều ngày vì muốn ăn món khổ qua dồn thịt nhưng ú ớ không thể bày tỏ, người nhà không ai hiểu. Vài ngày sau, gia đình mới vỡ lẽ vì thấy bệnh nhân vui mừng với món này khi vô tình bê lên.
Được mở mang tầm mắt với những kiến thức mới, ông dành thêm 4 năm hoàn thành chương trình học bổng tiến sĩ toàn phần tại ĐH Newcastle. Với ông, ngành y khác nhiều ngành khác, cần phải học hỏi không ngừng, thực hành suốt đời, để có thể đem lại lợi ích, hạn chế hoặc tránh tổn hại bệnh nhân.
Về nước với tấm bằng tiến sĩ, nhiều trường đại học, thậm chí bệnh viện tư chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, ông Điền vẫn quyết định chọn gắn bó Bệnh viện An Bình - nơi ông đã phục vụ bệnh nhân từ thuở mới ra trường. Ông cảm thấy với những kiến thức đã may mắn tiếp thu được, trước hết cần có trách nhiệm phục vụ trở lại cộng đồng.
"Tôi không giàu, phải lo kinh tế chính cho gia đình, nhưng lúc này nếu chọn viện tư đồng nghĩa cống hiến toàn thời gian cho người ta, rất khó góp phần lan tỏa, chuyển giao lĩnh vực mới này ra rộng rãi để đông đảo bệnh nhân hưởng lợi", tiến sĩ Điền nói.
May mắn có dịp đến nhiều bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng lớn trên thế giới, nên khi được giám đốc bệnh viện giao mặt bằng rộng rãi ở cơ sở mới xây, ông dồn sức bố trí Khoa Phục hồi chức năng theo mô hình các nước phát triển, với không gian rất mở.
Nơi này có khu ngôn ngữ trị liệu cho người lớn lẫn trẻ em, vận động trị liệu, điện trị liệu, hoạt động trị liệu. Khoa có một phòng với giường ngủ, đèn ngủ, bếp, tủ quần áo, nhà vệ sinh... để tập bệnh nhân tự di chuyển, làm các sinh hoạt cơ bản tại nhà. Ngoài bệnh nhân đột quỵ chiếm khoảng 30%, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến phục hồi sau chấn thương sọ não, các bệnh lý thần kinh như parkinson, sa sút trí tuệ, đau cơ xương khớp...
BS.CK2 Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình, đánh giá cao những nỗ lực của tiến sĩ Điền trong việc tiên phong chinh phục chuyên ngành mới, nỗ lực tự xin học bổng đi học. Dù tuổi không còn trẻ, ông vẫn làm việc rất năng động, nhiệt huyết, tinh thần "làm hết việc chứ không hết giờ". Với những mối quan hệ quốc tế, tiến sĩ Điền đã góp công kết nối giúp bệnh viện thêm những chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các chuyên gia lớn trên thế giới.
Theo bác sĩ Giang, ban giám đốc bệnh viện tạo điều kiện để tiến sĩ Điền tham gia giảng dạy tại các trường đại học y khoa của TP HCM cũng như nhiều tỉnh thành, các bệnh viện địa phương, cùng biên soạn sách về quy trình phục hồi chức năng của Bộ Y tế... Khoa cũng đã trở thành cơ sở thực hành của ĐH Y dược TP HCM cho các khóa đào tạo đại học và sau đại học chính quy về ngôn ngữ trị liệu, thu hút các học viên nước ngoài đến thực tập.
"Hy vọng với cầu nối, sự góp sức đầy nỗ lực từ tiến sĩ Điền, Việt Nam sớm tăng nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực âm ngữ trị liệu còn khá mới, chưa nhiều người quan tâm", bác sĩ Giang nói.
Trước đây, lĩnh vực phục hồi chức năng chưa được xem trọng, bởi suy nghĩ "không cứu được mạng ai". Dần dà, mọi người hiểu rằng cứu sống được bệnh nhân sau đột quỵ rất quan trọng, nhưng chất lượng cuộc sống sau khi từ cửa tử trở về cũng quan trọng không kém. Hiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là quan điểm hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới cũng như Bộ Y tế.
Tiến sĩ Điền cùng đồng nghiệp duy trì lớp vẽ miễn phí ngay tại khoa suốt 10 năm qua, với sự hỗ trợ về dụng cụ, giấy màu, của một nhà hảo tâm, cũng là bệnh nhân cũ. Tình nguyện viên hỗ trợ là sinh viên ngành mỹ thuật ĐH Sài Gòn và ĐH Kiến trúc TP HCM. Lớp thư pháp cũng được tổ chức hàng tuần nhờ hai cô giáo đảm trách giảng dạy, tài trợ chi phí.
Một số trường hợp, gia đình bày tỏ nghi ngại bởi "người thân bị yếu liệt tay thuận, cầm nắm không vững, nói khó khăn, sao có thể vẽ được". Đến khi ngắm nhìn những bức tranh trong buổi triễn lãm do bệnh viện tổ chức, có những người thân rơm rớm nước mắt vì xúc động. Theo tiến sĩ Điền, việc tập luyện này kích thích sự hồi phục não bộ, cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, giúp bệnh nhân thêm niềm vui cuộc sống. Không gì có thể giúp người bệnh cảm nhận được thành quả rõ hơn việc họ có thể hoàn thành một tác phẩm, phần lớn bằng tay trái, thường phải tốn nhiều thời gian, năng lượng và nghị lực.
Ông Dũng gần như ít bỏ buổi học vẽ nào, luôn mong ngóng đến sáng thứ 5 và thứ 6 hàng tuần để gặp gỡ mọi người, tự tay phác thảo những bức tranh nhiều màu sắc và các câu thơ qua thư pháp. Nơi đây, ông còn được tiếp thêm nghị lực từ những bệnh nhân khác, chẳng hạn như ông Nguyên, từ Vũng Tàu vẫn hàng tuần đón xe đến tham gia lớp vẽ suốt gần 10 năm nay.
"Thu hút được bệnh nhân ở các tỉnh chứng tỏ hoạt động của khoa có hiệu quả, nhưng chỉ mong nhiều nơi hơn phát triển lĩnh vực này, người bệnh không còn phải lặn lội vượt đường xa như vậy", tiến sĩ Điền nói, thêm rằng bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương não, nếu điều trị phục hồi chức năng càng sớm thì khả năng phục hồi thường tốt hơn.
Tuy nhiên, những người suy giảm chức năng giao tiếp do đột quỵ sau 6 tháng hoặc 1-2 năm vẫn có khả năng phục hồi nếu được điều trị đúng phương pháp, đồng thời bản thân và gia đình cùng có ý chí, nghị lực để phấn đấu vượt qua thử thách.
Cùng dịp này còn 11 thành tựu y khoa khác được vinh danh như ca can thiệp tim bào thai của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 - Từ Dũ, phác đồ giờ vàng cứu trẻ sinh non của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh...
Lê Phương