Tiến sĩ Joseph, bác sĩ tâm thần tốt nghiệp Đại học Columbia, Mỹ, đang tìm cách giúp nhiều người nâng cao các kiến thức về sức khỏe tinh thần. Thay vì chỉ tập trung điều trị khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện sớm những dấu hiệu cảnh báo – những điều tưởng chừng nhỏ nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Lời khuyên của bà là thực hiện những "kiểm tra sức khỏe 10 giây" để nhận diện các yếu tố có ảnh hưởng đến tuổi thọ, vượt xa những chỉ số cơ bản như nhịp tim hay nhịp thở.
Một trong những yếu tố mà tiến sĩ Joseph nhấn mạnh là chất lượng các mối quan hệ. Bà cho rằng mối quan hệ cá nhân và môi trường làm việc có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của mỗi người, không kém phần quan trọng so với chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ.
"Chúng ta thường không nhận ra rằng những người tiêu cực có thể rút cạn năng lượng sống của mình như thế nào. Một yếu tố dự đoán tuổi thọ chính là chất lượng các mối quan hệ. Dù bạn ăn uống lành mạnh đến đâu, nếu bạn sống trong một môi trường độc hại hoặc với những người tiêu cực, điều đó sẽ gây căng thẳng cho cơ thể và thực sự làm giảm tuổi thọ của bạn", tiến sĩ Joseph nói.
Ngoài ra, bà cũng lưu ý việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. "Các bác sĩ thường không hỏi bạn có thích công việc của mình hay không, mà chỉ hỏi bạn có làm tốt công việc của mình không", bà chia sẻ. Trong một xã hội chú trọng vào thành tích và hiệu quả công việc, việc cảm thấy hài lòng trong công việc lại thường bị xem nhẹ, dù nó có tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần.

Tìm được niềm vui trong cuộc sống là một trong những yếu tố khiến nhiều người trẻ lâu. Ảnh: Pexel
Tiến sĩ Joseph cũng nhắc đến sự thiết yếu của niềm vui trong cuộc sống, điều mà nhiều người thường bỏ qua. Bà khuyên mọi người nên tự hỏi bản thân: "Bạn làm gì để giải trí, để tận hưởng cuộc sống?" Niềm vui không chỉ là phần thưởng, mà còn là yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe tinh thần, giúp chúng ta duy trì sự cân bằng giữa những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống.
Cuối cùng, Tiến sĩ Joseph cảnh báo về tác động tiêu cực của việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Dành quá nhiều thời gian trước màn hình có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, làm gia tăng cảm giác lo âu, trầm cảm, và cô đơn, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Mặc dù các bác sĩ không thường xuyên hỏi về thời gian sử dụng màn hình, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian dài trên thiết bị điện tử có thể khiến chúng ta cảm thấy tách biệt và kém hài lòng với cuộc sống.
Đặc biệt, sau đại dịch, tiến sĩ Joseph cũng nhắc đến hiện tượng "hội chứng mệt mỏi do Zoom", mà bà cho là có thể dẫn đến kiệt sức tinh thần. "Có rất nhiều dữ liệu từ Stanford chỉ ra rằng việc nhìn thấy bản thân mình liên tục trong các cuộc gọi video gây stress và lo lắng", bà chia sẻ.
Nghiên cứu từ Stanford cho thấy việc giao tiếp qua màn hình, đặc biệt là khi phải duy trì giao tiếp mắt trong thời gian dài và nhìn thấy khuôn mặt cận cảnh, có thể tạo ra cảm giác căng thẳng, khiến chúng ta cảm thấy thiếu sự thân mật và gắn kết trong các mối quan hệ.
Jeremy N. Bailenson, nhà nghiên cứu từ Stanford, đã chỉ ra rằng hiện tượng này, mà ông gọi là "chiếc gương cả ngày", có thể dẫn đến sự tự ti và mệt mỏi tinh thần. Việc bị giới hạn trong một vị trí cố định trong khung hình cũng khiến cơ thể bị căng thẳng, và việc giải mã tín hiệu phi ngôn ngữ trong các cuộc gọi video đòi hỏi nỗ lực tinh thần lớn hơn, từ đó gây mệt mỏi cho người tham gia.
Thục Linh (Theo NY Post)