Vào ngày phát hiện một bệnh nhân đã tử vong dương tính với nCoV, bệnh viện Kuvatova tại thành phố Ufa của Nga, nơi Kamalova làm việc, vẫn tiếp nhận hơn 50 người điều trị theo kế hoạch trước đó. Bệnh viện này cuối cùng bị phong tỏa, khiến Kamalova cùng hơn 1.200 nhân viên và bệnh nhân mắc kẹt bên trong.
Vài ngày sau, Kamalova bị sốt, nhưng vẫn phải tiếp tục làm việc. "Tôi truyền dịch rồi dậy điều trị cho bệnh nhân, sau đó lại nằm xuống, truyền dịch tiếp, rồi lại bật dậy làm việc. Không còn lựa chọn nào khác", trưởng khoa thấp khớp tại bệnh viện Kuvatova cho hay.
Nga đang ca ngợi đội ngũ nhân viên y tế như những người hùng, đưa hình ảnh họ lên các tấm biển nơi công cộng, tôn vinh câu chuyện của họ trên truyền hình. Tuy nhiên, khi đất nước trở thành vùng dịch lớn thứ ba toàn cầu, những "chiến sĩ tuyến đầu" này lại đối mặt nguy cơ lây nhiễm nCoV cao đến kinh ngạc, nhiều người trong số đó đã gục ngã.
Một trang web tưởng niệm các nhân viên y tế qua đời trong đại dịch tại Nga đã liệt kê tên của hơn 180 y bác sĩ. Tại một bệnh viện hàng đầu ở Moskva, một trưởng khoa giấu tên tiết lộ 75% nhân viên của khoa này đã đổ bệnh. Chính quyền St. Petersburg cũng cho biết 1.465 nhân viên y tế tại đây nhiễm nCoV, chiếm hơn 1/6 số ca trong thành phố. Tình trạng lây nhiễm diễn ra tại 400 bệnh viện trên cả nước, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko hôm 13/5 cho hay.
Đại dịch cũng tấn công y bác sĩ tại các nước phương Tây khác, nhưng tỷ lệ nhân viên y tế tử vong ở Nga vẫn được cho là cao nếu xét trên tổng số người chết vì nCoV trên toàn quốc. Tại Anh, ít nhất 275 nhân viên y tế tử vong, nhưng nước này ghi nhận tới hơn 30.000 người chết vì nCoV, trong khi con số này tại Nga là hơn 2.300.
"Tôi chỉ biết vài đồng nghiệp chưa nhiễm virus", Evgeny Zeltyn, bác sĩ tim mạch tại Moskva, cho hay, nói thêm rằng ông may mắn khi bị ngất vì sốt 39 độ trong lúc đang ở bệnh viện, nên được điều trị nhanh chóng và quay lại làm việc sau 5 ngày. "Mọi người đều đang chiến đấu và cực kỳ mệt mỏi".
Nguy cơ từ sự hỗn loạn trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Nga còn thể hiện qua vụ cháy bệnh viện St. George ở thành phố St. Petersburg hôm 12/5, khiến 5 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng. Trước đó, vụ cháy tương tự xảy ra tại một bệnh viện ở Moskva khiến một người chết. Nguyên nhân ban đầu của cả hai vụ cháy đều là chập máy thở.
Nga được cho là một trong những nước phản ứng quyết liệt sớm nhất với đại dịch, khi đóng đường biên dài với Trung Quốc từ hồi tháng một. Hai tháng sau, nước này vẫn ghi nhận chưa tới 100 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố virus "đã được kiềm chế" và tình hình "trong tầm kiểm soát".
Tuy nhiên, sau hậu trường, giới chức địa phương không đồng tình với tuyên bố này, khi hệ thống y tế chưa được trang bị đầy đủ để đương đầu với đại dịch, dù đã có hai tháng chuẩn bị. Theo một tài liệu nội bộ của chính phủ được Liên minh Bác sĩ, một nhóm hoạt động vì nhân viên y tế Nga, cung cấp cho NYTimes, tính đến cuối tháng 3, ít nhất 28/85 khu vực tại Nga báo cáo thiếu nghiêm trọng đồ bảo hộ, máy thở và kit xét nghiệm.
Tài liệu 24 trang còn cho thấy ngoài tình trạng thiếu nguồn cung, sự bối rối cũng bao trùm giới chức địa phương do họ không nắm rõ những việc cần làm để ngăn nCoV lây lan. Giới chức vùng Tomsk cho hay chỉ thị của chính phủ có "những lời diễn giải bất nhất, các tiêu chí và thời hạn thực hiện thay đổi nhiều lần", tài liệu viết.
Tình trạng chậm trễ trong việc nhận kết quả xét nghiệm nCoV cũng được các địa phương phản ánh trong tài liệu. Họ còn thắc mắc về thẩm quyền đóng cửa doanh nghiệp, hạn chế giao thông và trừng phạt người vi phạm lệnh phong tỏa. Vài người cho hay họ không biết phải lấy tiền từ đâu để chi trả khoản hỗ trợ thêm cho các nhân viên y tế làm việc tại những điểm nóng của dịch bệnh.
Các bác sĩ cho biết họ không chỉ thiếu thiết bị y tế và đồ bảo hộ, mà còn chịu áp lực từ hệ thống quản lý cứng nhắc từ trên xuống, cản trở lối suy nghĩ độc lập và chủ động. Gần đây, ba bác sĩ tuyến đầu ngã từ cửa sổ sau khi xích mích với cấp trên về điều kiện làm việc, trong đó hai người tử vong. Liên minh Bác sĩ cho rằng những trường hợp này có thể là tự tử do quá căng thẳng.
Các yếu tố trên được cho là đã khiến dịch bùng phát tại bệnh viện Kuvatova ở thành phố Ufa, vùng Bashkortostan, biến nơi này thành một trong những cụm dịch nghiêm trọng nhất đất nước. Giới phê bình đổ lỗi cho quyết định tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân dù đã phát hiện ca nhiễm nCoV, cho rằng đây là sai lầm của ban lãnh đạo bệnh viện.
Cơ quan y tế vùng Bashkortostan đang điều tra báo cáo về những ca viêm phổi tại bệnh viện Kuvatova. Phát ngôn viên của chính quyền khu vực cho biết 9 người nhiễm nCoV ở cơ sở này đã tử vong, nhưng không có nhân viên y tế nào, nói thêm rằng họ không thể bình luận về động cơ tài chính của lãnh đạo bệnh viện khi tiếp nhận bệnh nhân sau khi phát hiện ca nhiễm nCoV.
Trong khi đó, chính phủ Nga nhấn mạnh họ đã chuẩn bị tốt cho đại dịch, dự trữ số lượng lớn giường bệnh và máy thở, đồng thời phát hiện nhiều ca nhiễm nCoV không triệu chứng nhờ xét nghiệm rộng rãi. Họ chỉ trích truyền thông phương Tây phản ánh tiêu cực quá mức về công tác chống dịch của Nga.
Sau vài ngày bị cách ly, các bác sĩ và y tá bắt đầu đổ bệnh, theo cuộc phỏng vấn với 5 người giấu tên có mặt tại bệnh viện Kuvatova trong thời gian cơ sở bị phong tỏa. Họ được điều trị trên tầng hai, nhưng khu vực này không đủ chỗ. Các bệnh nhân đã biểu tình khi y bác sĩ được điều trị trong một phòng gần họ.
Nhân viên từ những phòng khám khác trong khu vực đã tới trợ giúp và được cấp tốc huấn luyện cách xử lý nCoV. Tuy nhiên, các y tá bệnh viện Kuvatova, giờ đây trở thành bệnh nhân, vẫn đặt kim truyền dịch cho nhau thay vì tin tưởng vào những đồng nghiệp bên ngoài.
"Mọi người không ý thức được tình hình có thể trở nên tồi tệ đến nhường nào khi không biết phải làm gì để giải quyết vấn đề", một nhân viên y tế giấu tên đề cập tới việc bị nhiễm nCoV trong lúc làm việc.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)