Ngày 13/5 đánh dấu ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày ở Nga trên mức 10.000 người. Quốc gia với 144,5 triệu người hiện là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, với hơn 242.000 người nhiễm vì nCoV, sau Mỹ và Tây Ban Nha.
Điểm khác biệt rất lớn của Nga so với các vùng dịch lớn khác trên thế giới nằm ở tỷ lệ tử vong. Theo Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, là 6%; Brazil là 7%, trong khi các nước Tây Âu, gồm Italy, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh là trên 10%.
Tuy nhiên, tại Nga, hơn 2.200 người chết vì Covid-19, tỷ lệ này chỉ 0,9%. Điều này lập tức thu hút sự chú ý của giới chuyên gia y tế và các nhà khoa học trên thế giới, khi họ muốn biết tại sao nCoV lại không thể cướp đi tính mạng của nhiều người Nga như cách nó làm với nhiều vùng dịch lớn khác của thế giới.
Lý giải cho điều này, tiến sĩ Elena Malinnikova, người phụ trách về bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Nga, cho hay tỷ lệ tử vong thấp là do Nga phát hiện ca nhiễm kịp thời, cũng như người Nga thường tới gặp bác sĩ rất sớm sau khi xuất hiện triệu chứng. Trong khi đó, báo chí Nga đưa tin hơn 60% số ca nhiễm của nước này tập trung ở thủ đô Moskva, nơi có dân số trẻ và khỏe mạnh hơn so với những vùng nông thôn.
"Dù lý do là gì, tỷ lệ tử vong quá thấp như vậy là khá bất ngờ. Do đó, tôi cần so sánh nhiều yếu tố khác nhau để hiểu xem điều gì đang xảy ra", Kent Sepkowitz, nhà phân tích y tế của CNN và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK), nói.
Theo Sepkowitz, xét nghiệm là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự khác biệt ở Nga. Tính tới ngày 13/5, Nga đã xét nghiệm gần 41.000 người trên một triệu dân, trong khi con số này của Mỹ chỉ gần 31.000 người, Brazil là hơn gần 3.500 người.
Sepkowitz cũng thấy rằng ở Thụy Sĩ, Đức hay nhiều quốc gia có chiến lược xét nghiệm rộng, tỷ lệ tử vong cũng bắt đầu giảm xuống, bởi rất nhiều ca nhiễm được phát hiện sớm nên không tiến triển thành ca nặng. Như ở Đức, dù dịch đã phần nào được kiểm soát, tỷ lệ tử vong cũng chỉ dao dộng từ 0,5% tới 4,5%.
Bên cạnh xét nghiệm, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong vì Covid-19 là tuổi tác và bệnh lý nền như tim, phổi mạn tính, tiểu đường hay béo phì. Theo World Bank, Nga có 15% dân số trên 65 tuổi, trong khi tỷ lệ này của Italy là khoảng 25% và ở Mỹ là 16%.
Tỷ lệ người chết vì bệnh phổi ở Nga cũng tương đối thấp, 14,5/100.000 người, trong khi ở Brazil là 26,6. Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở Nga là 6%, thấp hơn gần một nửa tỷ lệ của Brazil là 10%. Tính tới năm 2016, tỷ lệ người béo phì ở Nga đứng thứ 70 thế giới, tương đương 23%, trong khi đó Mỹ đứng thứ 12 với 36%.
Sepkowitz cho rằng tuy những tỷ lệ trên của Nga thấp hơn nhiều quốc gia khác, nhưng nó không đủ để khiến tỷ lệ tử vong của quốc gia này thấp kỳ lạ như vậy.
"Liệu có phải những lý do tiến sĩ Malinnikova nêu ra là chính xác? Liệu sự khác biệt thực sự có do xét nghiệm và hệ thống y tế hoạt động hiệu quả của Nga? Có thể là như vậy, nhưng có thể có những cách khác để giải thích sự khác biệt này", Sepkowitz nói.
Theo Sepkowitz và Henry Meyer, biên tập viên tờ Bloomberg, sự khác biệt có thể nằm ở cách tính ca tử vong vì Covid-19 ở Nga. Họ đặt ra câu hỏi rằng một người bị bệnh tim chết vì nhiễm nCoV, giới chức Nga sẽ xác định nguyên nhân tử vong là gì. Và những ca tử vong trong các viện dưỡng lão có được xét nghiệm nCoV đầy đủ hay không.
Như ở Mỹ và nhiều nơi khác, phân loại chính xác những ca tử vong liên quan tới Covid-19 là việc rất quan trọng để hiểu về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như hiệu quả của các biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, một người tử vong do Covid-19 vẫn có thể được xác định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Melita Vujnovic, trưởng đại diện củaTổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga, cho biết đã thảo luận với giới chức Nga về cách thức thống kê số người tử vong vì Covid-19 ở quốc gia này, bởi 0,9% là con số quá thấp so với mức trung bình thế giới và thấp nhất trong số các quốc gia có số người nhiễm cao nhất toàn cầu.
"Chúng tôi đã thảo luận với giới chức Nga. Họ đang xem xét lại toàn bộ ca tử vong để xem liệu có bị bỏ sót", Vujnovic nói. Tuy nhiên, Bộ Y tế Nga không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin này.
WHO hồi giữa tháng 4 yêu cầu các quốc gia thống kê tất cả những ca tử vong được xác định hoặc nghi ngờ do Covid-19. Tuy nhiên, nhiều thống kê từ các địa phương của Nga cho thấy số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều số liệu báo cáo chính thức.
Một nghiên cứu được công bố trên Financial Times ngày 11/5 chỉ ra số người chết thực tế ở Nga có thể cao hơn 70% báo cáo. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu ở Moskva và St. Petersburg và phát hiện số ca tử vong do tất cả nguyên nhân trong tháng 4 cao hơn 2.073 người so với mức trung bình của 5 năm trước đó.
Tuy nhiên, số liệu thống kê Covid-19 chính thức của hai thành phố tháng 4 chỉ báo cáo 629 trường hợp tử vong, đồng nghĩa 1.444 ca còn lại chưa được tính đến. Nếu tính thêm số lượng này vào tổng số ca tử vong được báo cáo chính thức của cả nước Nga, đồng nghĩa nó sẽ làm tăng thêm khoảng 70%.
Thứ trưởng Y tế Nga Tatyana Golikova ngày 12/5 phủ nhận những ý kiến cho rằng nước này đếm thiếu số ca tử vong. "Chúng tôi không bao giờ tự ý điều chỉnh số liệu báo cáo chính thức", bà nói.
Bộ Y tế Nga ngày 13/5 khẳng định cơ quan này luôn tuân thủ các quy tắc thống kê quốc tế trong việc phân loại ca tử vong liên quan tới Covid-19. Điều này đồng nghĩa họ liệt kê mọi nguyên nhân dẫn tới cái chết, bộ này khẳng định.
"Tỷ lệ tử vong của Nga thực sự rất thấp so với phần còn lại của thế giới. Điều này cho thấy nguy cơ số người chết được báo cáo có thể thấp hơn thực tế. Minh bạch trong báo cáo về Covid-19 là điều hết sức quan trọng bởi chúng ta cần nó để hiểu mức độ nguy hiểm của dịch đang xảy ra", Jeremy Rossman, giảng viên cấp cao về virus học tại Đại học Kent, Anh, cho hay.
Thanh Tâm (Theo CNN, Bloomberg, Financial Times)