"Bác sĩ ma" là cụm từ chỉ người phẫu thuật thay thế bác sĩ chính, khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân (thường là trong ca phẫu thuật thẩm mỹ). Đôi khi là nha sĩ, y tá, điều dưỡng, trợ lý, thậm chí nhân viên bán thiết bị y tế - trái ngược hoàn toàn với quảng cáo của cơ sở y tế, trong đó ghi rõ bác sĩ chính sẽ phẫu thuật từ đầu đến cuối.
Hoạt động phi pháp này đang bùng nổ tại đất nước có ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD. Nguyên nhân là các bác sĩ thẩm mỹ nhận thực hiện đồng thời nhiều cuộc phẫu thuật, phải nhờ người thay thế để hoàn thành tất cả ca mổ.
Khoảng 5 bệnh nhân đã chết vì các cuộc phẫu thuật "ma" trong 8 năm qua. Một trong số đó là Kwon Dae-hee, sinh viên đại học Seoul. Người này tử vong vì xuất huyết trong một ca phẫu thuật thu gọn hàm năm 2016. Mẹ của anh, bà Lee Na-geum, đã thu thập các đoạn video trong phòng mổ và tìm được bằng chứng cho thấy người thực hiện phẫu thuật là một trợ lý điều dưỡng. Bác sĩ phẫu thuật bị kết tội ngộ sát và tuyên án ba năm tù.
Để ngăn chặn vấn nạn, các nhà lập pháp đã sửa đổi luật y tế, yêu cầu lắp camera trong tất cả phòng mổ dành cho bệnh nhân gây mê toàn thân. Hàn Quốc trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Các nhà đạo đức học, giới chức y tế và nhiều chuyên gia cho rằng việc giám sát bác sĩ phẫu thuật nhằm ngăn chặn các vụ việc có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, tổn thương tinh thần và vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân. Đạo luật cũng củng cố niềm tin của công chúng với bác sĩ và lưu lại bằng chứng nếu nạn nhân muốn khiếu nại trước tòa án.
Trước quyết định của giới chức, bà Lee Na-geum nói: "Một khi có camera, các 'bác sĩ ma' sẽ bị lật tẩy".
Lắp camera trong bệnh viện không mới, nhưng lắp trong phòng mổ hay không là vấn đề không nhận được sự đồng thuận. Một số quốc gia sử dụng biện pháp này để chống hối lộ tại bệnh viện, nhưng thường không lắp đặt trong phòng mổ. Năm 2019, các nhà lập pháp Philippines đề xuất dự luật yêu cầu lắp camera trong phòng phẫu thuật nhưng không được thông qua.
Riêng người Hàn Quốc đã quen thuộc với việc giám sát bằng video trên diện rộng. Đến năm 2020, chính phủ lắp đặt hơn 1,3 triệu camera ở các không gian công cộng, mục đích chính là để ngăn chặn tội phạm. Nhu cầu sử dụng camera trong các bệnh viện tăng cao trong những năm gần đây, phần lớn vì các báo cáo liên quan đến "bác sĩ ma". Ví dụ, bệnh viện Kookmin ở tỉnh Gyeonggi trang bị camera giám sát vào năm 2020. Thiết bị được lắp đặt trên trần phòng mổ, lưng bác sĩ đối diện với máy quay, che chắn vết mổ, tấm vải phẫu thuật che mặt bệnh nhân. Video do camera ghi lại cho thấy rõ ai đang thực hiện nhiệm vụ nào trong ca phẫu thuật.
Tiến sĩ Choi Sang-wook, Giám đốc Bệnh viện Kookmin, cho biết camera đã cải thiện niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện. "Camera giúp chúng tôi có được sự tin tưởng của cộng đồng, đó là lợi thế lớn nhất", ông nói.
Các ca phẫu thuật "ma" bắt đầu xảy ra tại các thẩm mỹ viện ở Hàn Quốc vào những năm 2010, sau khi chính phủ thúc đẩy du lịch y tế làm bàn đạp kinh tế. Theo các chuyên gia, bệnh viện sử dụng tên tuổi của một bác sĩ có tiếng, sau đó để y tá, trợ lý hoặc kỹ thuật viên phẫu thuật hộ nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Các ca phẫu thuật kiểu này đã lan tới cả các bệnh viện cột sống, Kim So-yoon, giáo sư luật và đạo đức y tế Đại học Yonsei, cho biết. Tháng 5/2021, một video tại chuyên khoa cột sống, Bệnh viện Thế kỷ 21 ở Incheon, lộ ra cho thấy trợ lý điều dưỡng đang mổ và đặt chỉ khâu cho bệnh nhân.
Choi Jeong-kyu, luật sư đại diện cho các nạn nhân y tế, đã nhận được video từ một cựu nhân viên phòng khám, sau đó chuyển nó đến đài truyền hình MBC. Đoạn phim ghi lại 19 ca phẫu thuật, cho thấy ba trợ lý điều dưỡng đang mổ cho các bệnh nhân gai đốt sống. Chiếc cưa phẫu thuật kêu vo vo khi các trợ lý đặt chúng vào xương bệnh nhân. Băng gạc đẫm máu chất thành đống một bên bàn mổ. Khoảng 5 phút cuối mỗi ca phẫu thuật, bác sĩ chính mới xuất hiện.
"Họ đối xử với bệnh nhân như những món hàng trên băng chuyền của một nhà máy", ông Choi nói.
Sau khi video được công bố, các nạn nhân đã đệ đơn kiện phòng khám. 5 bác sĩ và ba trợ lý bị bắt giam vào tháng 8/2021. Tháng 2, họ bị kết tội lừa đảo và hành nghề y không có giấy phép, tuyên án hai năm tù, bị phạt 7 triệu won, khoảng 5.700 USD mỗi người.
Kể từ năm 2012 đến 2017, Hàn Quốc đã khởi tố khoảng 100 trường hợp phẫu thuật giả danh bác sĩ, theo Bộ Y tế. Từ năm 2008 đến năm 2014, khoảng 100.000 người là nạn nhân của các ca phẫu thuật kiểu này, theo ước tính của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc.
Thục Linh (Theo NY Times)