"Bạn là anh trai của Kwon Dae-hee? Em bạn đang ở phòng cấp cứu, bạn có thể đến bệnh viện ngay được không?", người gọi nói.
Người gọi cho biết tình trạng của Kwon Dae-hee "không nghiêm trọng". Song khi Tae-hoon có mặt tại bệnh viện, em trai anh đã bất tỉnh do mất máu quá nhiều trong ca phẫu thuật gọt hàm V-line. Chàng trai 24 tuổi tử vong 7 tuần sau đó.
Theo gia đình, Dae-hee là nạn nhân của "bác sĩ ma", người phẫu thuật thay cho bác sĩ chính khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân. Điều này trái ngược hoàn toàn với quảng cáo của cơ sở y tế, trong đó ghi rõ bác sĩ chính sẽ phẫu thuật từ đầu đến cuối.
"Bác sĩ ma" là hoạt động phi pháp, song đang bùng nổ tại đất nước có ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD, nơi thẩm mỹ viện mọc lên như nấm. Các bác sĩ thẩm mỹ thực hiện đồng thời nhiều cuộc phẫu thuật, phải nhờ người thay thế để hoàn thành ca mổ. "Bác sĩ ma" đôi khi là nha sĩ, y tá, thậm chí nhân viên bán thiết bị y tế.
Theo luật pháp Hàn Quốc, người điều hành hoặc thực hiện các thủ tục y tế không giấy phép phải lĩnh án tối đa 5 năm tù hoặc nộp phạt 50 triệu won (44.000 USD). Nếu "bác sĩ ma" có giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ, tội danh chuyển thành lừa đảo.
Tuy nhiên, các vụ việc kiểu này rất khó điều tra. "Bác sĩ ma" thường không được ghi tên trong biên bản phẫu thuật, nhiều phòng khám không có camera an ninh. Kể cả khi vụ án được đưa ra tòa, những bác sĩ này hiếm khi bị phạt nặng. Do đó, các phòng khám tiếp tục hành nghề, đặt sinh mạng người bệnh vào nguy hiểm.
Trường hợp của Kwon Dae-hee thu hút sự chú ý của công chúng. Gia đình anh không chỉ kiện các bác sĩ liên quan, họ còn yêu cầu sửa luật.
Kwon Dae-hee là sinh viên, được nhiều người yêu quý, song không tự tin vào vẻ ngoài của mình. Trong các bức ảnh chụp không lâu trước khi qua đời, anh dùng ứng dụng chỉnh sửa ảnh để có khuôn hàm nhọn (V-line) thường thấy ở các thần tượng K-pop.
Anh trai và mẹ của Dae-hee, bà Lee Na Geum, từng cố gắng ngăn anh phẫu thuật. Song Dae-hee đã bí mật đăng ký phẫu thuật gọt hàm tại một viện thẩm mỹ nổi tiếng ở khu Gangnam xa hoa.
Ca phẫu thuật diễn ra ngày 8/9/2016, chi phí 6,5 triệu won (5.766 USD). Trong video từ camera an ninh, bác sĩ chính được thuê hầu như không thực hiện ca mổ, phần lớn công việc được giao cho người khác. Người này là bác sĩ đa khoa, không có bằng cấp phẫu thuật thẩm mỹ và mới tốt nghiệp trường y. Ca phẫu thuật kéo dài hơn một tiếng rưỡi so với thông thường. Sau khi hoàn tất, cả hai bác sĩ về nhà, để lại y tá phụ trách chăm sóc trong khi Kwon Dae-hee bị chảy máu khá nhiều.
Bà Lee, mẹ của Dae-hee, xem video, nói rằng các y tá vừa lau sàn nhà đẫm máu, vừa chỉnh lớp trang điểm hoặc bấm điện thoại. Họ phải lau sàn tới 13 lần. Phân tích hình ảnh video ghi lại, các chuyên gia cho biết Kwon mất máu nhiều gấp ba lần so với những gì bác sĩ đã nói.
"Tôi không nghĩ ‘bác sĩ ma’ kiểm tra xem con tôi chảy bao nhiêu máu. Tôi đã rất tức giận trước sự thật đó", bà Lee chia sẻ.
Bất chấp vụ việc, viện thẩm mỹ vẫn mở cửa, tiếp tục quảng cáo "không để xảy ra tai nạn trong suốt 14 năm qua". Cơ sở này phải đóng cửa vào năm ngoái không rõ lý do.
Gia đình Kwon yêu cầu những người có trách nhiệm giải trình vụ việc, song họ sớm hiểu ra quy định pháp luật để xử lý "bác sĩ ma" còn yếu kém, chưa hoàn thiện.
Tòa án tối cao Hàn Quốc phê duyệt phẫu thuật thẩm mỹ như một hoạt động y tế vào năm 1974. Năm 2014, giới chức đã biết đến các ca phẫu thuật "ma". Năm 2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ yêu cầu Bộ Y tế và Phúc lợi thắt chặt quy định, yêu cầu bệnh viện công khai tên bác sĩ phẫu thuật và gắn camera quan sát trong phòng mổ. Năm 2018, chính phủ tăng mức phạt đối với các bác sĩ chỉ đạo phẫu thuật "ma". Song báo cáo xuất bản cùng thời gian trên tạp chí Annals of Surgical Treatment and Research cho thấy hoạt động kiểu này còn tràn lan.
Một bác sĩ phẫu thuật giấu tên cho biết anh từng làm việc tại một trong những thẩm mỹ viện lớn nhất Hàn Quốc vào năm 2012, song đã bỏ việc vì không muốn sống trong cảm giác tội lỗi. Anh được yêu cầu phẫu thuật thay cho bác sĩ chính. Người thay thế chờ đợi trong một tầng hầm đến khi được gọi vào phòng mổ. Các ca phẫu thuật tạo hình khuôn hàm như Kwon Dae-hee thường được thực hiện bởi nha sĩ.
Tình trạng này xảy ra vì một lý do đơn giản: lợi nhuận. Hàn Quốc có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất thế giới, theo báo cáo trên tạp chí Aesthetic Plastic Surgery. Trước khi Covid-19 bùng phát, Hàn Quốc thu hút hàng nghìn khách du lịch đến phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm. Riêng thủ đô Seoul có tới 561 cơ sở thẩm mỹ, theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc.
Phó giáo sư Jo Elfving-Hwang, Đại học Tây Australia, cho biết bác sĩ phẫu thuật thường sử dụng các ngôi sao K-pop để quảng bá cho phòng khám. Song trong thời gian cao điểm, họ không thể phụ trách hết lượng bệnh nhân. Bác sĩ nổi tiếng thường đi tư vấn cho khách hàng mới.
"Đây là chỗ phát sinh vấn đề", phó giáo sư Elfving-Hwang nói.
"Bác sĩ ma" là cách để phòng khám tối đa hóa lợi nhuận, dù phi pháp.
"Theo tôi, tình trạng này phổ biến là do bác sĩ trẻ có thể kiếm việc và tích lũy kinh nghiệm. Phòng khám thuê họ với chi phí thấp hơn. Bằng cách này, các cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân, tiến hành nhiều ca phẫu thuật hơn", một bác sĩ giấu tên nhận định.
Theo Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc, không phải tất cả các ca phẫu thuật do "bác sĩ ma" thực hiện đều dẫn đến sự cố. Song từ năm 2016 đến năm 2020, 226 người đã bị thương tật, gặp tác dụng phụ, phải phẫu thuật lại hoặc tử vong.
Bệnh nhân thường không biết bác sĩ chính của mình bị thay thế. Các bác sĩ ma không được ghi vào biên bản phẫu thuật, nhiều phòng mổ không gắn camera. Theo Park Ho-kyun, luật sư đại diện cho gia đình Kwon, điều này gây khó khăn cho quá trình chứng minh cáo buộc.
Bất chấp tất cả, gia đình Kwon quyết tâm đi tìm công lý. Họ kiện viện thẩm mỹ khiến Dae-hee tử vong, cáo buộc bác sĩ đã sơ suất khi không giải thích cụ thể về ca mổ, không thực hiện biện pháp thích hợp nhằm cứu sống bệnh nhân. Tháng 5/2019, gia đình nhận được số tiền bồi thường 430 triệu won (tương đương 381.000 USD).
Hai bác sĩ liên quan vụ án đối mặt với tội danh ngộ sát trong quá trình làm việc. Hai bác sĩ khác cùng một trợ lý điều dưỡng bị cáo buộc hành nghề không giấy phép, một bác sĩ bị cáo buộc vi phạm luật quảng cáo.
"Các nạn nhân y tế nói chung không muốn đệ đơn kiện vì họ biết nó khó khăn và thách thức đến thế nào. Bác sĩ thừa hiểu việc tìm ra điểm sai sót trong một ca phẫu thuật khó không kém, nên họ thường công khai bảo bệnh nhân hãy cứ kiện đi. Tôi nghe điều này từ nhiều người cùng cảnh ngộ", bà Lee nói.
Thục Linh (Theo CNN)