Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (Bệnh viện 1A), cho biết theo các nghiên cứu, khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, 15% thể nặng, 5% thể nguy kịch. Bệnh có thể gây tổn thương phế nang với số lượng lớn, dẫn đến suy hô hấp cấp, phải điều trị thở máy.
"Người mắc thể nhẹ và trung bình, ít nhiều cũng có thể gây tổn thương phế nang phổi, sẹo phổi và có thể ảnh hưởng chức năng hô hấp sau đó", bác sĩ Trịnh phân tích.
Phục hồi chức năng phổi là cần thiết ở người sau điều trị Covid-19. Riêng các trường hợp có tổn thương phổi rõ ràng phải điều trị theo phác đồ y khoa kết hợp giữa chuyên khoa hô hấp và phục hồi chức năng.
Với thể nhẹ, không triệu chứng hoặc người đã trị khỏi hoàn toàn Covid-19, có thể áp dụng bài tập phục hồi chức năng phổi. Đây cũng được xem như bài thể dục đặc biệt cho phổi, ngay cả khi không mắc Covid-19, dành cho người đang trong khu cách ly, người làm việc cường độ cao mệt mỏi kéo dài, người suy hô hấp trong bệnh lý mạn tính, người suy nhược cơ thể...
Các bài tập giúp cơ thể có nhiều oxy hơn, tăng cường thông khí và sức bền các cơ hô hấp. Đối với bệnh nhân, chúng làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng, trầm cảm, cải thiện các chức năng thể chất, tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Bài tập với 7 bước, gồm kỹ thuật thở ra, mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở, tăng cường vận động cơ hô hấp, loại bỏ dung tích khí cặn trong phổi, tăng cường sức bền, tăng dung tích sống từng thuỳ phổi, vũ điệu nhịp thở.
"Đây giống như bài thể dục nên mỗi ngày có thể tập một vài lần, mỗi động tác khoảng 8-10 lần", bác sĩ nói. Với động tác cần đến tạ, nếu trong khu cách ly không có tạ có thể thay bằng hai chai nước".
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, thạc sĩ phục hồi chức năng tốt nghiệp chuyên khoa tại Mỹ, về nước mang theo giấy chứng nhận đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19 của Moderna, ngày 10/3.