Bác sĩ Nguyễn Văn Dưỡng, 32 tuổi, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Tiên Du, có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 1 từ ngày 2/5 để tham gia lấy mẫu, sàng lọc. Đến ngày 18/5, anh chuyển về khu điều trị bệnh nhân F0, trực tiếp điều trị người mắc Covid-19. Ngoài thời gian làm việc, anh mày mò, tìm hiểu và sáng tạo phần mềm để nhập dữ liệu người bệnh. Theo anh, cách này sẽ hạn chế sai sót khi làm việc, đồng thời giảm thời gian và áp lực lên nhân viên y tế khi số ca mắc tăng nhiều.
"Tôi muốn hoàn thiện phần mềm này thành công cụ đơn giản cho tất cả mọi người có thể sử dụng", bác sĩ Dưỡng cho biết.
Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Ninh ở Tiên Du, quy mô 300 giường, thành lập ngày 9/5. Cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân dương tính chuyển về từ Bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh nhân thuộc địa bàn huyện Tiên Du, TX Từ Sơn, Yên Phong, TP Bắc Ninh.
Trước khi lập viện dã chiến, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du tham gia vào công tác truy vết, lấy mẫu, sàng lọc ca bệnh nghi ngờ. Làm việc trong nhiều tiếng đồng hồ, số mẫu liên tục dội về khiến tất cả quay cuồng, phải mất nhiều ngày mới xử lý hết số mẫu tồn. Có đêm, bác sĩ Dưỡng vừa về thì nhận tin báo có ca F0, anh lại tất bật lên đường đến 6h sáng hôm sau mới xong việc.
"Số mẫu cứ tăng lên theo cấp số nhân mà sức lực có hạn, nhiều khi thấy 24 giờ là không đủ", bác sĩ kể lại.
Từ đó, anh quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế, giúp các nhân viên hạn chế sai sót khi lấy mẫu và nhập dữ liệu, theo đúng tiêu chuẩn do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh yêu cầu.
Bác sĩ cho biết, thuật toán này có thể tự nhớ được các thông tin quan trọng, chính xác như tên, tuổi của người được lấy mẫu, loại bỏ thao tác thừa như viết hoa chữ cái đầu, cách dòng, căn chỉnh,...
"Khi nhập liệu thủ công, các nhân viên y tế sẽ phải sử dụng rất nhiều thao tác di chuyển như phím enter, sang ngang, xuống dưới, nhấp chuột..., có khi cả tiếng đồng hồ mới xong. Còn trong bảng nhập liệu do tôi thiết kế, các bạn chỉ cần vài thao tác đơn giản hoặc gõ vài chữ cái trong tên là có tất cả thông tin cần tìm", bác sĩ Dưỡng giải thích. Chưa kể, phần mềm giúp nhập dữ liệu, tạo mã gộp và giải quyết sai sót, lộn xộn khi tạo mã số bệnh nhân, giảm thời gian lao động rất nhiều.
Quan sát công việc, anh cho biết, tất cả bệnh nhân đều phải lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày, có khi 6 - 7 lần mới âm tính. Song, ở mỗi lần, việc nhập thủ công số liệu rất khó, phải tìm lại kết quả xét nghiệm rồi tổng hợp mất nhiều thời gian. Khi đó, anh tiếp tục lập bảng thông kê mới để giảm thời gian làm việc chung và quản lý người bệnh tốt hơn.
"Mỗi ngày, bác sĩ chỉ cần thao tác đơn giản, thực hiện một lần để bảng tự động lọc những người cần lấy mẫu vào một danh sách mà không cần ngồi tìm lại từng kết quả, gần như không có sai sót", bác sĩ Dưỡng giải thích.
Phần mềm sơ khai được bác sĩ mày mò tìm hiểu và thực hiện trong 18 tiếng. Toàn bộ ý tưởng, nội dung đều do một mình anh thực hiện và đang tiếp tục được hoàn thiện mỗi ngày.
"Dịch bệnh phức tạp rồi, cái gì tối giản được thì mình tối giản thôi", anh nói. "Công việc này tôi triển khai trong thời gian nghỉ ngơi nên không ảnh hưởng đến việc điều trị chung".
Bác sĩ Lê Việt An, Phó giám đốc bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Ninh, cho biết, phần mềm do cán bộ bệnh viện viết ra, tuy không sâu và rộng nhưng áp dụng tại đơn vị có hiệu quả, nhập liệu nhanh hơn, hữu ích cho công tác phòng chống Covid-19 tại địa bàn.
Theo bác sĩ Dưỡng, anh đã có hứng thú với công nghệ thông tin từ lâu, "tính thi ĐH Bách Khoa nhưng cái duyên rẽ sang ngành Y". Đến khi vào nghề, anh không bỏ được sở thích. Ở khoa, anh cũng hay tìm tòi và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc như lên lịch làm việc hay thời gian phẫu thuật.
Hiện, các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ tiếp tục chia nhân lực, một đội đi lấy mẫu, một đội truy vết, một đội điều trị, huy động tổng lực chống dịch. Kíp làm việc sẽ làm 24h, nghỉ 24h. Thời gian rảnh, có người nghỉ ngơi, có người gọi về gia đình, còn bác sĩ Dưỡng tranh thủ hoàn thiện lại bảng thống kê nhập liệu.
Nheo đôi mắt thiếu ngủ, hai tay điêu luyện làm chủ từng thao tác trên bàn phím, anh nói lao đầu vào việc cũng là cách giúp anh vơi bớt nỗi nhớ nhà.
"Nhìn tôi lúc này, không mặc áo blouse, tóc húi cua, chẳng ai nghĩ là bác sĩ đâu nhỉ", anh nói, rồi lại chăm chú dõi theo các con số trên màn hình máy tính.
Thùy An