Trả lời VnExpress chiều 29/7, nam bác sĩ không muốn nêu tên, cho biết sau khi bị người nhà bệnh nhi hành hung hai hôm trước, cổ của anh đỏ và hằn dấu bàn tay, cảm thấy khó thở sau đó đau cơ vùng cổ. Hiện, anh đã hết đau nhưng vẫn còn lo lắng. Bệnh viện cho anh ngừng công việc vài ngày để ổn định sức khỏe. Anh dự định xin nghỉ phép không lương thêm một thời gian, đến khi cảm thấy an toàn. "Tôi thấy nản vì mình chỉ muốn môi trường an toàn để làm việc, cấp cứu bệnh nhân, không mong muốn gì nhiều", bác sĩ nói.
Anh nhớ lại khoảng 9h đêm 27/7, bé gái 10 tuổi bị hóc xương cá, nuốt vướng và đau, được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Thời điểm nhập viện, các chỉ số sinh hiệu bệnh nhi bình thường, bé không khó thở, không la khóc. Bác sĩ dặn bé ngồi chờ để nhân viên y tế chuyên khoa tai mũi họng đến nội soi gắp xương.
Khoa cấp cứu trong đêm rất đông bệnh nhân. Khoảng 5 phút sau, khi bác sĩ đang ngồi xem kết quả chụp phim CT, X-quang của những ca chấn thương khác thì một người khá to cao, xưng là bố bệnh nhi vào phòng la hét, không đồng ý chờ đợi. Bác sĩ giải thích nhưng người này không chấp nhận, muốn chuyển khẩn bé đến bệnh viện nào có thể nội soi ngay lập tức. Bất ngờ ông này xông đến hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip.
"Vụ việc diễn ra rất nhanh, trong chừng 10 phút kể từ khi bệnh nhân vào viện. Lúc đó tôi khá bất ngờ và hoảng, đang ngồi thì bị đẩy ngay, chưa kịp phản xạ gì", bác sĩ chia sẻ. Bảo vệ bệnh viện đã tới can ngăn. Bé gái khóc, kéo tay người đàn ông và nói bố đừng làm vậy. Người bố sau một hồi chửi bới và đe dọa "sẽ không để yên" cho bác sĩ mới rời đi.
Gia đình bệnh nhi hiện chưa lên tiếng về sự việc. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết lãnh đạo viện đã động viên bác sĩ và kíp trực, phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh vụ việc.
"Bệnh viện đã rà soát lại hiện trường vụ việc, kiểm tra quy trình tiếp nhận và khám bệnh của khoa Cấp cứu, quy trình code grey", bác sĩ Hải chia sẻ. Các bác sĩ cũng theo dõi, thăm hỏi diễn tiến bệnh nhi trên, được biết bé đã ổn định sức khỏe và về nhà.
Code grey là quy trình được Bệnh viện Nhân dân Gia Định triển khai từ bốn năm nay, với hình thức gọi tự động "auto call", nhằm tập trung lực lượng bảo vệ nhanh nhất khi có tình huống mất an ninh, trật tự. Cơ chế này giúp các y bác sĩ có thể yên tâm làm nhiệm vụ, không gián đoạn việc cấp cứu bệnh nhân cũng như ảnh hưởng đến người nhà. Vụ hành hung vừa xảy ra cho thấy quy trình code grey tại viện vẫn chưa được chặt chẽ, tuy nhiên hiện bệnh viện chưa kết luận mà chờ cơ quan điều tra, theo bác sĩ Hải.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cũng bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành vi hành hung nhân viên y tế vừa xảy ra. "Không thể chấp nhận được hành vi hành hung nhân viên y tế trong lúc cấp cứu người bệnh", ông nói và mong ê kíp trực, nhất là bác sĩ bị hành hung, sớm hồi phục sau cú sốc tinh thần do người nhà bệnh nhi gây ra.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng cho rằng khoa cấp cứu là nơi đầu sóng ngọn gió, là tuyến đầu của bệnh viện nên gặp nhiều khó khăn, áp lực. Ngành y tế sẽ kiểm tra, rà soát lại các quy định để bảo vệ an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Sự việc xảy ra làm nam bác sĩ "thêm lo ngại vấn nạn hành hung nhân viên y tế". Anh chia sẻ rất đam mê chuyên ngành cấp cứu, gắn bó với lĩnh vực này từ khi mới ra trường dù lương không cao, nhiều áp lực. Anh mong muốn góp sức phát triển mảng cấp cứu, truyền lửa đến nhiều đồng nghiệp gắn bó với nghề, giúp ích nhiều bệnh nhân hơn. "Công tác cấp cứu nếu không xử trí kịp thời và đúng cách sẽ xảy ra rất nhiều điều đáng tiếc", anh nói.
Điều khiến anh buồn lòng là môi trường hành nghề cấp cứu ở bệnh viện công khá rủi ro, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị hành hung, bị côn đồ xông vào gây rối, những người say xỉn chửi bới xô xát... "Nhiều năm công tác ở khoa cấp cứu, tôi cảm nhận hành hung như trở thành một thói quen của một số người Việt, ảnh hưởng đến ngành, khiến nhiều bác sĩ rời đi", anh nói. Nhiều y bác sĩ chỉ gắn bó với khoa cấp cứu một thời gian, tích lũy được kinh nghiệm thì lại chuyển sang lĩnh vực khác.
Cách đây không lâu, anh gặp một nữ bệnh nhân khám ở khoa khác, không muốn về nhà mà đến nằm trước cửa khoa Cấp cứu. Anh đến hỏi thăm, cùng con gái bệnh nhân dìu bà lên băng ca. Bất ngờ, bà dùng móng tay cào đánh bác sĩ, chửi bới nhân viên y tế, con gái bệnh nhân can mẹ. Sau khi truyền dịch xong, bà ổn định hơn, xin lỗi bác sĩ rồi về trong khi tay bác sĩ từ đó hằn vết sẹo. Lần này, sau sự việc anh cảm thấy nản: "Tôi sợ bị trả thù, nên định nghỉ không lương rồi nghỉ việc, có khi chuyển sang bệnh viện tư để môi trường làm việc an toàn hơn".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nạn bạo hành y bác sĩ diễn ra trên toàn cầu, chủ yếu do bệnh nhân cùng người nhà gây ra. Nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế như tuyển thêm nhân viên an ninh, theo dõi camera, hạn chế số lượng khách đến thăm người bệnh... Năm 2020, Trung Quốc ban hành luật mới nhằm đảm bảo an toàn cho y bác sĩ, cấm các cá nhân, tổ chức đe dọa hoặc làm tổn hại đến sự an toàn và nhân phẩm của nhân viên y tế. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và tạm giam.
Lê Phương