Phòng làm việc của Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA), Hà Nội; nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương có một tủ đựng hồ sơ của những ca IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) đặc biệt khó từ các cặp đôi tưởng chừng đã hết hy vọng về nụ cười trẻ thơ.
Người phụ nữ vô sinh 53 tuổi và kỳ tích thai đôi
Năm 2017, chị Trương Thị Hằng (sinh năm 1965) và anh Ngô Xuân Tiến (1960) ở thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn, Hải Dương đến thăm khám hiếm muộn. Chị Hằng được chẩn đoán vô sinh thứ phát do tuổi cao, bước vào giai đoạn mãn kinh, dự trữ buồng trứng rất thấp. Đây là ca bệnh khiến bác sĩ Lê Hoàng ưu tư nhiều hơn cả.
"Hơn 20 năm điều trị, dù gặp ca khó đến đâu, tôi cũng thường quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Nhưng với bệnh nhân này, tôi phải đắn đo mãi, vì tỷ lệ thành công thấp, bệnh nhân đối mặt với nhiều rủi ro nếu mang thai”, vị bác sĩ nhớ lại.
Tuy vậy, nỗi tha thiết có con của gia đình quá lớn và thấu hiểu những khó khăn của anh chị sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi, bác sĩ Lê Hoàng quyết định không đầu hàng. Trước khi chấp nhận điều trị, ông thực hiện hàng loạt phương pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, phụ nữ trên 45 tuổi hiếm muộn được quyền "tìm con" bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, nhưng với điều kiện cơ sở điều trị phải theo dõi, cân nhắc kỹ sức khỏe, khả năng mang thai của sản phụ...
Sau khi làm hàng loạt xét nghiệm, xác nhận chị Hằng đủ sức khỏe, thai nhi không đối diện với nguy cơ bệnh lý từ mẹ, ông quyết định điều trị cho chị Hằng.
Cái khó lớn nhất ở ca bệnh là phụ nữ qua tuổi 50 khó cho phôi làm tổ. Vì thế, ông cùng nhiều chuyên gia theo dõi chu kỳ, đưa ra phác đồ theo dõi niêm mạc, xác định chính xác ngày chuyển phôi, sàng lọc phôi, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng... Cùng với những điều kiện trang thiết bị hỗ trợ hiện đại ở bệnh viện Tâm Anh, ở lần chuyển phôi thứ 4 đã thành công. Chị Hằng có thai đôi và hạ sinh cặp một trai, một gái, an toàn cho cả mẹ và con.
“Những ngày đầu mới đến Tâm Anh, lúc nào chị Hằng cũng buồn rầu. Lần đầu tiên tôi bắt gặp nụ cười là lúc chị nằm trên giường chăm sóc sau sinh. Vết mổ còn đau, dây truyền dịch còn ở tay nhưng khuôn mặt chị rạng rỡ khi nhắc đến hai bé con vừa mới chào đời”, bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.
Thụ tinh trong ống nghiệm - tỷ lệ thành công cao
Trước chị Hằng, IVFTA đã đón nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn khác và thành công chữa trị với phương pháp IVF, kể cả những ca khó, bệnh nhân cao tuổi hay có các bệnh lý kèm theo.
Đơn cử như vợ chồng anh Nguyễn Văn Lượng và chị Nguyễn Thị Hoa (Nam Định). Gần 20 năm đi khắp Hà thành, anh chị tưởng chừng đã tuyệt vọng. Chị Hoa cũng là ca bệnh khó vì đã 43 tuổi, hiếm muộn suốt 18 năm, dự trữ buồng trứng rất kém, 3 lần làm IUI (bơm tinh trùng và buồng tử cung), 2 lần IVF, uống hàng chục loại thuốc Đông y nhưng đều thất bại.
Được mọi người trong xóm gọi là người phụ nữ "dành cả thanh xuân tìm con", chị Phạm Thúy Bé (40 tuổi ở Móng Cái - Quảng Ninh), chạy chữa khắp nơi từ 22 tuổi. Suốt 13 năm qua chị đi khắp đất nước, hết vào Nam lại ra Bắc, uống hàng trăm đơn thuốc, 5 lần chọc trứng, 7 lần chuyển phôi đều không có kết quả.
Một lần khác, bác sĩ cũng điều trị cho anh Nguyễn Văn Hiến và chị Đoàn Thị Thúy (quê Hải Dương) sau 10 năm kết hôn mà không có con.
Lại có những cô gái rất trẻ đến với bệnh viện chất chứa đầy tâm sự: "Có lẽ em phải ly dị chồng". Bệnh nhân đến đây còn có cả vợ chồng người nước ngoài (Nga, Pháp, Anh...) hay những đôi vợ chồng người Việt sau khi lặn lội sang Thái Lan, Singapore, thậm chí cả Mỹ tìm con thất bại.
Điểm chung của họ là sau khi đến với IVF Tâm Anh, được khám, xét nghiệm kỹ, áp dụng phác đồ phù hợp cùng với sự tận tâm của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, phần lớn các ca điều trị đều thành công. Hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hưởng niềm hạnh phúc khi lần đầu trở thành bố mẹ.
Theo bác sĩ Hoàng, trước đây, các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn sinh em bé bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) rất tốn kém, điều trị kéo dài nhiều năm, thậm chí thực hiện tại nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, các bác sĩ đã làm chủ thành công nhiều kỹ thuật cao cấp cùng với trang thiết bị hiện đại nên tỷ lệ thành công cao hơn hẳn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, lên đến 40-50%. Tại IVFTA, tỷ lệ này lên tới hơn 50% bao gồm cả ca khó, bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý kèm theo... Hiện chi phí một ca IVF tại IVFTA, gồm thuốc xét nghiệm, các thủ thuật từ chọc trứng, chuyển phôi, các kỹ thuật khác ở trong LAB... khoảng 60-80 triệu đồng trong một chu kỳ; tỷ lệ thành công trung bình 53%.
Hoài Nhơn
Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA), Hà Nội; nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương có kinh nghiệm hơn 20 năm trong chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, sản phụ khoa. Bác sĩ đã điều trị thành công cho hàng nghìn gia đình mong con, mang đến cơ hội làm cha làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm.
Bác sĩ Lê Hoàng và các cộng sự sẽ giải đáp mọi thắc mắc và các biện pháp điều trị hiệu quả trong chương trình tư vấn “Vô sinh hiếm muộn - Gieo mầm hạnh phúc”, diễn ra từ ngày 5-10/9/2018 trên VnExpress. Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về suckhoe@vnexpress.net.