Bác sĩ Trần Anh Thắng, 41 tuổi, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, nhớ lại ca xử lý hôm 30/10, bệnh nhân nữ, 48 tuổi, đang sinh hoạt tại nhà thì ngất xỉu. Người thân gọi cấp cứu ngoại viện. Bác sĩ xác định người phụ nữ đã ngừng tuần hoàn, là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi... Bác sĩ cùng một điều dưỡng đã ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng cung cấp oxy cho người phụ nữ hơn 30 phút, các thiết bị trên xe cứu thương đã sử dụng hết nhưng bệnh nhân không đáp ứng.
Theo lý thuyết, nếu người bệnh không có mạch, tim không đập trở lại sau khi ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ thở oxy (CPR) 30-60 phút, tức là cấp cứu không thành công. Tuy nhiên, bác sĩ Thắng tin rằng người bệnh này chưa chết, vẫn còn cơ hội cứu sống.
Anh chia sẻ: "Lúc ấy tôi nghĩ phải đưa bệnh nhân vào viện bằng mọi giá, giờ mình chưa thành công nhưng biết đâu vào viện họ có đông người thì lại cứu được".
Chiếc xe đưa người bệnh và cả kíp cấp cứu lao nhanh, vượt đèn đỏ, để tới bệnh viện trong thời gian ngắn nhất. Họ đặt bệnh nhân nằm trên cáng, dưới sàn xe. Suốt quá trình di chuyển, bác sĩ Thắng vẫn quỳ để ép tim ngoài lồng ngực, điều dưỡng bóp bóng thở oxy hỗ trợ và quan sát kỹ tình trạng của bệnh nhân. "Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng người bệnh sẽ sống", anh kể.
Khi chiếc xe vừa ra khỏi đường Hồng Hà vào đường Trần Khát Chân, nữ bệnh nhân tỉnh lại, giật ống nội khí quản hỗ trợ thở khỏi miệng. Niềm vui sướng khi bệnh nhân tỉnh lại khiến kíp cấp cứu nhảy cẫng lên. Bác sĩ Thắng vẫn nhớ như in rằng vì quá vui nên ngẩng đầu bị đập vào nóc ôtô đau điếng, khiến người tài xế hiểu lầm kíp cấp cứu xảy ra chuyện, tạt vào lề đường rồi phanh xe gấp tạo thành tiếng kít.
16 năm làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đây là trường hợp cấp cứu ngừng tuần hoàn mà bác sĩ Thắng nhớ nhất.
Ngừng tuần hoàn diễn ra đột ngột, nhanh và nguy hiểm. Thời gian cấp cứu chỉ có ba phút song việc cấp cứu khó khăn, nhiều trường hợp phải cấp cứu ở ngoài đường hoặc ở những môi trường không thuận lợi.
Bác sĩ Hoàng Văn Hải, Đội trưởng Đội trạm trung tâm, cho biết nếu bệnh nhân nằm ở ngoài đường, bác sĩ cấp cứu phải quỳ gối ép tim. Lực ép phải mạnh, nhanh, đúng, nhịp ép 100-120 lần trong một phút, rất tốn sức lực. Kíp xử trí có hai người, khi người này mỏi thì đổi vị trí, cứ ép tim và bóp bóng oxy cho đến khi nào bệnh nhân có mạch đập trở lại. Trong khi đó, người dân hiếu kỳ đứng xung quanh quay, chụp ảnh, gây xao nhãng và áp lực cho nhân viên y tế đang cấp cứu, chẳng hạn hỏi "vì sao không đưa tới bệnh viện", "vì sao ép tim"...
"Chỉ một sơ suất nhỏ thôi, những công sức của mình hay tận tâm của mình đổ xuống sông xuống biển", bác sĩ Hải nói.
Nếu bệnh nhân ở trong nhà, nhóm vừa phải cấp cứu, vừa đối mặt với sự thúc ép từ gia đình đưa người bệnh đi viện ngay mà không sơ cứu. Khi ấy, kíp cấp cứu phải giải thích về tình trạng người bệnh để thuyết phục gia đình về việc bệnh nhân có thể chết nếu không cấp cứu tại chỗ.
Kíp cấp cứu không chỉ ép tim một lần cho người bệnh. Ngừng tuần hoàn có thể tái phát trong quá trình di chuyển người bệnh, khi họ bị thay đổi địa hình, thay đổi tư thế nằm, ví dụ đưa từ trên lầu xuống xe, phải đi qua cầu thang xoắn. Nhóm buộc phải nghĩ ra giải pháp vừa ép tim trên các đoạn đường khó, vừa đảm bảo chuyển đi viện an toàn vì đó là cách duy nhất để cứu sống người bệnh.
"Nhiều trường hợp khi lên xe cấp cứu vẫn phải ép tim tiếp, cho đến khi nào có kết quả hoặc tới bệnh viện thì thôi", bác sĩ Thắng nói. Khi đó, người tài xế chỉ cần chuyên tâm lái xe thật nhanh và an toàn, còn bác sĩ cùng điều dưỡng cứ quỳ dưới sàn xe ép tim và cấp cứu.
Niềm tin sắt đá sẽ cứu sống người bệnh là động lực chính giúp các kíp của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vượt qua khó khăn. Bác sĩ Thắng giải thích mọi người sẽ buông xuôi, không nỗ lực hồi sinh nữa khi mặc định rằng bệnh nhân tử vong. Cứ nghĩ rằng bệnh nhân này chưa chết, hay chưa tử vong, chắc chắn còn hy vọng, kíp cấp cứu cố gắng hết sức, bằng mọi giá cứu sống người bệnh.
"Dù chỉ có 1% hy vọng sống chúng tôi vẫn cứ xử trí cấp cứu, vì có những người còn rất trẻ rất khỏe mạnh, chẳng có bệnh nền gì, nếu chết thì tiếc quá", bác sĩ Hải chia sẻ.
Công việc cấp cứu của nhóm ngoại viện có thể vẫn tiếp diễn tại bệnh viện do tình trạng ngừng tuần hoàn đôi khi quá nặng khiến bác sĩ không thể chuyển cáng cho bệnh nhân hoặc bệnh viện chưa có đủ nhân sự. Bác sĩ 115 không được phép bỏ bệnh nhân, tiếp tục cấp cứu cho đến khi bệnh viện có đủ nhân sự để tiếp nhận ca bệnh.
16 năm làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Thắng chỉ mong mỏi không có bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Tỷ lệ cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công trên thế giới chỉ 10%, một số khu vực 2-3%. Bác sĩ Thắng cho biết nhiều trường hợp cấp cứu không thành công, hoặc phát hiện quá muộn nên bệnh nhân nặng, tử vong sau vài ngày.
Trung tâm Cấp cứu 115 vận hành 4 trạm cấp cứu phân bố tại các khu vực trên địa bàn Hà Nội. Hiện, mỗi trạm có một máy ép tim tự động để phục vụ cấp cứu lượng người bệnh ngừng tuần hoàn thường có xu hướng tăng lên vào mùa đông. Các khóa tập huấn CPR (cấp cứu ngừng tuần hoàn) được tổ chức định kỳ từ 3-6 tháng một lần, các kinh nghiệm cấp cứu được chia sẻ hàng ngày trong buổi họp giao ban.
Theo các bác sĩ, không thể đòi hỏi công tác cấp cứu ngừng tuần hoàn phải hoàn hảo. Cơ hội cứu sống bệnh nhân còn phụ thuộc vào thời gian phát hiện sớm hay muộn, cấp cứu nhanh và chuẩn hay không.
"Cấp cứu thành công dù chỉ một ca ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi", bác sĩ Hải cho biết.
Chi Lê