Theo báo cáo được Cơ quan giám sát Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 7/7, nắng nóng kỷ lục đã thiêu đốt khu vực từ tây nam tới tây bắc nước Mỹ và Canada, nơi kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại bị phá vỡ suốt ba ngày liên tiếp ở British Columbia.
Đây là tháng 6 nóng nhất từ trước tới nay ở Bắc Mỹ, nóng hơn 1,2 độ so với mức nhiệt trung bình của các tháng 6 trong giai đoạn 1991-2020, theo báo cáo của C3S.
"Những đợt nắng nóng này không phải tự nhiên mà có. Chúng xảy ra trong môi trường khí hậu toàn cầu đang ấm lên và đó là thứ khiến chúng có khả năng xuất hiện thường xuyên hơn", Julien Nicolas, nhà khoa học khí hậu của C3S, nói.
Tháng 6 năm nay cùng với tháng 6 năm 2018 là hai trong số bốn tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử toàn cầu. Năm nay cũng là tháng 6 nóng thứ hai được ghi nhận ở châu Âu, trong khi miền bắc Siberia ghi nhận nhiệt độ cao như mùa hè.
Các đợt nắng nóng đang xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn so với trước đây, theo Nicolas.
"Những đợt sóng nhiệt liên tiếp mà chúng ta chứng kiến tháng trước ở Bắc Mỹ, miền tây nước Nga và miền bắc Siberia chỉ là ví dụ mới nhất về xu hướng có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai và gắn liền với hiện tượng nóng lên toàn cầu", ông nói.
Đất đai ở những khu vực bị ảnh hưởng cũng khô hạn bất thường, theo báo cáo của C3S, trong đó lưu ý cả cháy rừng và nắng nóng đều "đe dọa sự sống". Hàng chục đám cháy đã bùng lên khắp các vùng ở Canada trong những ngày gần đây do đợt nắng nóng chết người và thời tiết khô hạn.
"Những gì xảy ra ở Canada là một bước nhảy vọt so với kỷ lục từng ghi nhận", Carlo Buontempo, giám đốc của C3S nói. "Những kỷ lục nắng nóng này là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tác động của biến đổi khí hậu có thể gây ra với cuộc sống của chúng ta".
Thỏa thuận Paris 2015 kêu gọi giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu "thấp hơn" 2 độ C và thấp hơn 1,5 độ C nếu có thể. Hoạt động của con người khiến nhiệt độ toàn cầu đến nay đã tăng khoảng 1,1 độ C, gây ra mưa bão, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng ngày càng khốc liệt.
Hồi tháng 5, Tổ chức Khí tượng Thế giới và Cơ quan Met của Anh cho hay 40% khả năng là trong vòng 5 năm tới, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 độ so với nhiệt độ toàn cầu thời kỳ tiền công nghiệp. 6 năm qua cũng là 6 năm nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử thế giới.
Hồng Hạnh (Theo AFP)