"Nhiều chùm ca cộng đồng không rõ nguồn lây, không truy vết kịp, diễn biến hết sức phức tạp", bác sĩ Thức nói với VnExpress, ngày 3/11. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng nếu Bạc Liêu không khống chế nhanh chóng sẽ có nguy cơ bùng phát lớn như trận dịch ở TP HCM vừa qua. Khi ấy, năng lực y tế của Bạc Liêu khó có thể đáp ứng nổi, nhất là hệ thống y tế mỏng, cơ sở vật chất phòng chống dịch thiếu thốn.
Theo bác sĩ Thức, Bạc Liêu hiện "đòi hỏi phải chống dịch cấp tốc, huy động mọi nguồn lực để khống chế nhanh nhất có thể". Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xuất kho dự trữ của Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh Bạc Liêu.
"Oxy là yếu tố quan trọng giúp hạn chế số ca tăng nặng và tử vong do Covid-19, Chợ Rẫy cũng hỗ trợ Bạc Liêu nhanh chóng chuẩn bị", bác sĩ Thức nói. Nhiều doanh nghiệp từ TP HCM đã hỗ trợ tỉnh này máy thở, xe tiêm chủng lưu động, trạm chiết nạp oxy, trang thiết bị máy móc điều trị Covid-19, phương tiện phòng hộ...
Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ 35.000 liều vaccine AstraZeneca và 18.000 liều vaccine Pfizer, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ 5.000 liều AstraZenca cho tỉnh Bạc Liêu. Trong ngày 2/11, hai máy xét nghiệm PCR cùng các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến và thiết lập trạm xét nghiệm tại Trung tâm y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm y tế huyện Phước Long.
Một đội y bác sĩ Chợ Rẫy do bác sĩ Huỳnh Quang Đại (Khoa Hồi sức Cấp cứu) làm trưởng đoàn có mặt tại Bạc Liêu từ ngày 27/10 khảo sát thực địa tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, bao gồm TP Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Đông Hải... Một đoàn khác do bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh Nhiệt đới) dẫn đầu, sau khi hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng từ hôm 15/10, cũng tiếp tục sang phối hợp chi viện Bạc Liêu.
Từ những kinh nghiệm trong đợt dịch tại TP HCM vừa qua, nhóm chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bạc Liêu thiết lập các tầng điều trị và tạo mối liên hệ giữa các tầng. Mục đích là nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu, lắp đặt hệ thống oxy lỏng, kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình xét nghiệm, chuẩn bị nguồn máu phục vụ công tác điều trị bệnh nhân... 12 y bác sĩ Chợ Rẫy tiếp tục ở lại Bạc Liêu hỗ trợ y tế địa phương đến khi kiểm soát được dịch.
Theo bác sĩ Thức, để tổ chức tốt cách ly tại nhà, y tế địa phương phải tạo sự yên tâm cho người dân bằng cách thiết lập đường dây liên lạc thông suốt với nhân viên y tế, thành lập các trạm y tế lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng, đội cấp cứu lưu động, hướng dẫn dùng túi thuốc cho F0 tại nhà... Ngoài ra, lưu ý các điều kiện cách ly tại nhà, không phải ai cũng cho theo dõi tại nhà, nhất là với người có bệnh lý nền.
"Trong điều trị bệnh nhân Covid-19, việc phân loại bệnh rất quan trọng, người nào đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc chưa đủ hai mũi, chưa tiêm, bệnh nhân không triệu chứng, lớn tuổi... Mỗi nhóm có cách theo dõi, chăm sóc riêng", bác sĩ Thức nhấn mạnh. Ngành y tế phải thành lập bộ phận điều phối xe cấp cứu, điều phối mạng lưới bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân hợp lý. Tại các cơ sở y tế, vận động các tình nguyện viên, bệnh nhân nhẹ chăm sóc cho bệnh nhân nặng.
Cùng với đoàn chi viện từ Chợ Rẫy, ngày 2/11, Sở Y tế TP HCM đã cử 12 y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, do giám đốc bệnh viện dẫn đầu chi viện Bạc Liêu. Ngoài các thuốc đặc trị Covid-19, đoàn mang theo 14 loại trang thiết bị y tế cần thiết trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng.
Những ngày gần đây Bạc Liêu ghi nhận khoảng 300-400 ca Covid-19 mỗi ngày, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 4.230. Từ 12h ngày 2/11, toàn tỉnh Bạc Liêu nâng cấp độ phòng, chống dịch từ cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) lên cấp độ 4 - cấp nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Thời gian qua, các y bác sĩ từ TP HCM tiếp nối nhau lên đường chi viện các tỉnh khác đang bùng phát dịch như Đăk Lăk, Cà Mau, Sóc Trăng, Ninh Thuận, An Giang; trong khi tình hình tại TP HCM đã giảm nhiệt sau hơn 5 tháng chống dịch, bước vào giai đoạn mở cửa, thích ứng mới.